Hotline: 039.916.2342

'Không nên triệt đường của người vi phạm liêm chính'

Theo Vnexpress |

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Toán, nói các vi phạm liêm chính khoa học rất đa dạng, phải đánh giá thận trọng và không nên triệt đường của người từng làm sai.

Ông Hoa trả lời VnExpress về vấn đề này sau khi một số nhà Toán học bị tố vi phạm liêm chính:

- Gần đây, một nhà Toán học bị chỉ trích vì bán bài cho trường đại học không phải nơi mình công tác. Ông nhìn nhận thế nào về chuyện này?

- Người đó đã thừa nhận ngay là mình sai. Ông cũng nộp đơn xin rút khỏi hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted. Vậy việc gì phải bào chữa nữa.

Con người ai cũng có lúc sai. Quan trọng là sau sự việc họ phản ứng ra sao và mọi người hành xử với họ thế nào. Mình không nên triệt đường của họ. Như trong thể thao, vận động viên sử dụng doping sẽ bị phạt rất nặng, nhưng nặng mấy cũng có thời hạn. Sau đó, họ trở lại thi đấu bình thường. Nếu đạt huy chương, họ vẫn được công nhận.

Với ngành Toán, từ cách đây 15 năm, các Hội đồng Giáo sư cũng đặt ra án phạt với người đăng bài trên tạp chí không đảm bảo chất lượng (tạp chí dỏm). Nếu bị phát hiện, dù có khai trong hồ sơ hay không, thông qua phiếu tín nhiệm, hội đồng ngành sẽ đánh trượt ít nhất hai năm với ứng viên phó giáo sư và ba năm với ứng viên giáo sư.

Gần đây nổi lên hiện tượng đăng bài mà không ghi địa chỉ cơ quan mình công tác, gọi tắt là bán bài. Từ năm 2020, chúng tôi cũng đưa ra án phạt tương tự.

Ngành Toán năm nay có một người đạt phó giáo sư với số điểm rất cao. Hai năm trước, khi bị đánh trượt vì bán bài, anh ta đã khóc, hỏi thái độ của hội đồng thế nào để quyết định có ở lại ngành nữa hay không. Trường đại học nơi anh làm việc cũng chấm dứt hợp đồng. Nhưng sau anh này đã rút kinh nghiệm, đăng được nhiều bài báo rất tốt. Anh cảm ơn hội đồng vì giúp ý thức được hành vi.

Hoặc có trường đại học mua bài. Điểm tích cực của họ là ý thức được nghiên cứu rất quan trọng, nhưng phương pháp làm sai. Trường đã thay đổi và bắt đầu có cách làm đúng. Ít nhất hai giáo sư Toán nổi tiếng đã đầu quân cho trường. Nếu chỉ trích mãi, làm sao họ thay đổi được.

- Năm nào thời điểm xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, chuyện liêm chính khoa học cũng được đề cập nhiều. Theo ông, liêm chính khoa học được hiểu như thế nào?

- Liêm chính khoa học là nhà khoa học phải trung thực, ngay thẳng, có trách nhiệm trong các hoạt động học thuật, bao gồm cả nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Liêm chính là yêu cầu đầu tiên, bắt buộc với người làm khoa học. Nó được thể hiện rất phong phú, từ những điều tưởng chừng rất nhỏ.

Chẳng hạn, tôi ở Viện Toán, đến công tác tại một trường đại học chỉ khoảng 1-2 tuần. Khi trò chuyện với thầy cô ở trường, tôi nghĩ ra cách giải quyết một vấn đề rồi vài năm sau, tôi viết bài báo về vấn đề đó. Dù thời gian ở trường rất ít và không hưởng thụ tài chính gì, tôi vẫn nhắc tên trường trong phần cảm ơn vì tôi thấy điều đó thể hiện sự liêm chính.

Trước đây, một phó giáo sư từng bị đánh trượt khi xét giải thưởng Tạ Quang Bửu. Dù có công trình hay, đăng trên tạp chí rất tốt, nhưng vì cuối bài báo, anh cảm ơn quỹ tài trợ nghiên cứu của nước ngoài, nên bị kết luận công trình thực hiện ở nước ngoài. Thực ra, nếu anh ấy không viết lời cảm ơn đó cũng không sao nhưng vẫn viết. Đây là biểu hiện rất cao của sự liêm chính, thể hiện sự trân trọng với đơn vị đã hỗ trợ chứ không phải vì giải thưởng mà lờ đi.

- Các vi phạm liên quan đến liêm chính khoa học hiện nay thường là gì?

- Các vi phạm liên quan đến liêm chính khoa học rất đa dạng, khó kể hết. Hành vi hay được nhắc đến nhất là đăng bài trên tạp chí dỏm. Cách đây khoảng 15 năm, các tạp chí xuất bản online ra đời kéo theo nhiều tạp chí và bài báo dỏm xuất hiện. Để kiểm chứng chất lượng của những tạp chí này, có nhà Toán học nước ngoài đã lấy tên và địa chỉ giả, gửi đăng thử một "bài báo". Bài này có câu đầu sai ngữ pháp, câu thứ hai nói về Toán, câu thứ ba về Hóa, tóm lại là một mớ bòng bong, nhưng vẫn được đăng.

Sau này, các tạp chí dỏm tinh vi hơn, không để sai sót thô kệch như trường hợp trên. Một số tạp chí dỏm lôi kéo tác giả khá khôn khéo bằng việc không thu phí đăng 1-2 bài đầu. Sau đó, họ phân tích dữ liệu để tìm ra những người thích thú với việc đăng bài và bắt đầu thu tiền. Nhưng điểm chung là bài báo đều không có hàm lượng khoa học, hoặc chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, đăng bài trên các tạp chí này, dù vô tình hay cố ý, cũng bị coi là vi phạm liêm chính.

GS Lê Tuấn Hoa. Ảnh: Thanh Hằng

GS Lê Tuấn Hoa. Ảnh: Thanh Hằng

Một hành vi phổ biến khác là để tên địa chỉ trên bài báo không trùng khớp với nơi nhà khoa học đang làm việc, gọi nôm na là bán bài, xuất hiện 5-7 năm nay. Tôi không hiểu bằng cách nào đó, việc viết và đăng bài trở nên rất dễ với một số người, lại thêm một số trường sẵn sàng trả tiền để mua bài.

Có người đăng bài ở rất nhiều tạp chí nhưng không khai báo trung thực. Vì bất kỳ lý do nào, việc đã công bố cho thế giới biết nhưng rồi lại giấu nhẹm đi là không liêm chính.

Ngoài ra, có nhiều hành vi khác mà dư luận ít nhắc đến. Ví dụ, người trong hội đồng không đánh giá chính xác về ứng viên, hoặc công nhận ẩu. Hay khi hướng dẫn nghiên cứu sinh, vì muốn đạt thành tích về số lượng, người hướng dẫn cho luôn họ bài mà không cần mất thời gian tìm tòi, nghiên cứu.

Khi đã vi phạm liêm chính, hậu quả dễ nhìn thấy nhất là việc tạo ra những bài báo không chất lượng. Thực tế có nhiều bài của cùng một tác giả chỉ na ná nhau. Người trong ngành sẽ thấy ngay là những bài đó chỉ giống như làm bài tập, thay số liệu vào và không tạo ra tri thức mới.

Hậu quả lớn hơn là người thầy không liêm chính sẽ làm gương xấu cho thế hệ trẻ, khiến họ có thể cũng mắc phải những sai lầm như vậy. Việc này còn tạo dư luận xấu cho cả người không vi phạm, thậm chí cả một ngành khoa học nếu việc phản ánh không rõ ràng, lấy trường hợp cá biệt để xem như một trào lưu.

- Theo ông, việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi này ra sao?

- Các nhà khoa học sẽ nhìn ra rất nhanh hành vi không liêm chính trong ngành của mình. Tuy nhiên, có những trường hợp rất tế nhị, gây khó khăn mà người đánh giá phải tìm hiểu hết sức thận trọng.

Tôi ví dụ, một ứng viên ngành Toán đợt rồi cũng có dư luận cho rằng vi phạm liêm chính khi công bố quốc tế để tên hai địa chỉ là Viện Toán và trường Đại học Thăng Long. Tuy nhiên, việc này được hội đồng của Viện, Hội đồng ngành Toán đánh giá là hợp lý vì có sự hợp tác rõ ràng, công khai. Ứng viên đưa ra được hợp đồng làm việc và phía trường có trả lương nghiên cứu hàng tháng. Ở thời điểm hợp tác, không có văn bản nào cấm làm điều đó. Như vậy, ứng viên không vi phạm gì.

Còn về ngăn chặn, với ngành Toán, chúng tôi có "án phạt" 2-3 năm không xét giải thưởng hay công nhận chức danh với người vi phạm. Khi xét giáo sư, phó giáo sư, bộ hơn 20 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là lấy phiếu tín nhiệm, cũng góp phần ngăn chặn vi phạm liêm chính.

Nhưng trên hết, việc có ngăn chặn được hay không phụ thuộc vào ý thức của người làm khoa học. Ngược lại, đánh giá của những nhà khoa học thực thụ mới cho chúng ta biết khá chính xác hành vi liêm chính hay không.

Tất nhiên, có tìm hiểu kỹ đến đâu vẫn có trường hợp bị sai bởi liên quan đến yếu tố chủ quan. Ví dụ sống động nhất là có đến 12 nhà xuất bản đã từ chối đăng bản thảo Harry Potter của nhà văn J.K. Rowling. Hậu quả là họ mất một hợp đồng béo bở, nhưng họ vẫn tồn tại và chẳng ai trên thế giới nói gì chuyện oan sai. Vấn đề chỉ là các nhà xuất bản đó không đánh giá được giá trị của quyển sách. Nơi nhận đăng đầu tiên là Bloomsbury, một nhà xuất bản nhỏ ở Anh - và từ đó cả thế giới biết tới Harry Potter.

Tôi đưa ra ví dụ này chỉ muốn nói, khi có gì đó sai, nên bình tĩnh xem xét, thậm chí phê phán, nhưng tuyệt nhiên không nên trầm trọng hóa vấn đề.

Dương Tâm - Thanh Hằng

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342