Hotline: 039.916.2342

Nỗi cô đơn tuổi xế chiều của người Singapore

Theo Vnexpress |

Do tuổi cao, sức khỏe yếu, một ngày của ông Rajoo, 76 tuổi, hầu như chỉ diễn ra bên trong 4 bức tường căn hộ một phòng ở Yishun.

Cựu bảo vệ này bị đột quỵ khi đang làm việc, buộc phải nghỉ hưu cách đây 8 năm. Kể từ đó, bệnh Parkinson và viêm xương khớp phát triển, khiến ông mất dần khả năng vận động.

Rajoo hiện sống dựa vào chương trình Hỗ trợ Bạc dành cho người cao tuổi và chiếc xe lăn, không dám đi đâu xa nhà. Các nhân viên xã hội đến thăm ông hàng tháng để kê đơn thuốc và theo dõi sức khỏe.

Từng ly hôn, không có con cái, ông dành phần lớn thời gian xem TV trên giường. "Tôi không có anh chị em, tôi sẽ chết trong sự cô độc", Rajoo nói. Ông không phải trường hợp hiếm ở Singapore.

Năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 1/4 người cao tuổi trên thế giới bị tách biệt với xã hội. Tỷ lệ này cao hơn ở Singapore. Theo nghiên cứu năm 2015 của trường Y thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cứ 5 người từ 62 tuổi trở lên ở quốc đảo này thì có 2 người lâm cảnh cô đơn.

Theo các chuyên gia, tình trạng này do quy mô gia đình ở Singapore dần thu hẹp, làm hạn chế số người chăm sóc cho những người cao tuổi. Khi sức khỏe suy giảm, những người lớn tuổi cũng ít có các mối quan hệ xã hội hơn. Đại dịch Covid-19 càng ảnh hưởng lớn đến cơ hội tương tác xã hội của nhóm này.

Ông Rajoo, 76 tuổi, bên trong căn hộ một phòng ở Yishun, Singapore. Ảnh: ST

Ông Rajoo, 76 tuổi, bên trong căn hộ một phòng ở Yishun, Singapore. Ảnh: ST

Nghiên cứu năm 2021 của NUS cho thấy 6% người cao tuổi tham gia khảo sát bị tách biệt với xã hội, tức là thiếu gắn kết về cảm xúc và tương tác trực tiếp với người khác.

Tách biệt với xã hội được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với nhiều người cao tuổi, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhấn mạnh khi nước này chuẩn bị trở thành quốc gia "siêu già" năm 2026, tức hơn 20% dân số trên 65 tuổi.

Người ta dễ gắn tình trạng này với những người già sống một mình, song giáo sư Koh Woon Puay dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết phần lớn người lâm cảnh tách biệt xã hội lại sống cùng các thành viên trong gia đình.

"Người Singapore nghĩ rằng sự hỗ trợ tốt nhất đến từ gia đình", giáo sư Feng Quishiu trong nhóm học giả thực hiện nghiên cứu, nói. "Dù không có bạn bè, họ nghĩ chỉ cần có con cái chăm sóc là sẽ hạnh phúc. Tư duy này có ở Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Ấn Độ, nhưng không đúng hoàn toàn".

Người thân có thể quá bận rộn với cuộc sống riêng và phớt lờ các thành viên lớn tuổi trong nhà. Những người này cũng có thể có xu hướng bao bọc quá mức, "bóp nghẹt" người già bằng sự quan tâm của mình.

"Có một phụ nữ lớn tuổi từ chối rời nhà vì sợ bị ngã và trở thành gánh nặng cho con trai", bà Puay nói. "Lại có người rất sợ con dâu nhìn thấy mình nói chuyện với người lạ, người nhà bảo vệ quá mức do sợ bố mẹ bị lừa".

Một người cao tuổi dùng cà phê tại Singapore. Ảnh: ASEAN Today

Một người cao tuổi dùng cà phê tại Singapore. Ảnh: ASEAN Today

Những người cao tuổi sống cùng gia đình cũng có thể có kỳ vọng cao về mức độ hỗ trợ từ người thân, sau đó phát triển cảm giác bị tách biệt với xã hội khi kỳ vọng này không được đáp ứng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm không được giáo dục chính quy có nguy cơ cô đơn cao gấp ba lần so với những người có trình độ trung học. Người bị suy giảm trí tuệ có nguy cơ này cao hơn 73%, trong khi người trầm cảm có nguy cơ cao gấp 2,5 lần.

"Những người tách biệt với xã hội cũng có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe cao hơn", giáo sư Puay nói, chỉ ra nhiều nghiên cứu cho biết sự cô đơn cũng có tác động đến tỷ lệ tử vong giống như hút thuốc, bệnh tim mạch...

Trước tình trạng này, chính phủ Singapore đang xem xét lại chiến lược giúp nhóm cao tuổi hòa nhập xã hội hiệu quả hơn, năng tham gia hoạt động thể chất hơn. Bộ Y tế (MOH) đã đưa ra Kế hoạch Hành động Tuổi già, khẳng định người Singapore "không thể sống cuối đời như những ẩn sĩ".

Nước này đang kêu gọi các trung tâm dưỡng lão chuyển đổi cách thức hoạt động, thành những "nam châm" kéo người cao tuổi ra khỏi nhà, giúp họ kết nối xã hội, tăng cường sức khỏe.

Nhiều chương trình tạo điều kiện cho các hoạt động thể dục thể thao, các buổi giao lưu nghệ thuật, làm thủ công, cũng như tiếp cận và khuyến khích người cao tuổi sống một mình tham gia các hoạt động này.

Người cao tuổi Singapore chơi cờ tướng ngoài trời, năm 2016. Ảnh: Mackerel

Người cao tuổi Singapore chơi cờ tướng ngoài trời, năm 2016. Ảnh: Mackerel

Theo các chuyên gia, hầu hết những người cao tuổi cô độc muốn kết nối với những người có hoàn cảnh, trải nghiệm tương tự. Nhóm này cũng muốn khám phá những điều mới, nhưng cần được khuyến khích mạnh mẽ hơn.

Phó giáo sư nhân chủng học Thang Leng Leng của NUS cho hay các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ cần gần gũi, sát sao hơn nữa, khi cấu trúc gia đình của Singapore đã thay đổi, nơi gia đình không còn đóng vai trò trung tâm vì tỷ lệ sinh thấp, con cái đi làm xa.

Leng cho hay quốc đảo đang làm điều đúng đắn khi tập trung vào tinh thần cộng đồng. Bà chỉ ra cách người cao tuổi Hong Kong thường ăn yum cha, bữa sáng muộn gồm dim sum kèm trà cùng bạn bè. Người cao tuổi ở Singapore cũng có thể nối lại các mối quan hệ cũ, tham gia các hội nhóm cựu sinh viên trên mạng xã hội.

Letchimi Vetrivelu, 69 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và phải ngồi xe lăn, từ lâu đã coi trung tâm xã hội Lions Befrienders ở Tampines như ngôi nhà thứ hai.

Bà sống một mình tại căn hộ cho thuê trong khu vực này dựa vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ, kể từ khi chồng qua đời vì bạo bệnh 12 năm trước. Bất chấp khó khăn đi lại, bà thường đi chơi cùng các nhân viên, thành viên Lions Befrienders, đồng thời tham gia tình nguyện hàng tuần.

Thông qua dịch vụ kết bạn của trung tâm, bà quen được Oh Jing Yi ba năm trước. "Tôi kể cho cô ấy nghe mọi thứ. Cô ấy giống như con gái tôi, thực là một ơn trời", bà nói.

Đức Trung (Theo Straits Times)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342