Hotline: 039.916.2342

Nhiều công ty Mỹ tăng đặt cược vào Trung Quốc

Theo Vnexpress |

McDonald's, Nike, Starbucks kiên trì với kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc, bất chấp rủi ro về địa chính trị và tiêu dùng chậm lại.

Tháng trước, McDonald’s mua lại từ Carlyle Group 28% cổ phần trong công ty điều hành chuỗi nhà hàng của họ tại Trung Quốc. Sau thương vụ, McDonald’s hiện nắm 48% công ty được định giá 6 tỷ USD, đã bao gồm cả thị trường Hong Kong và Macau. Đối tác liên doanh của họ tại Trung Quốc - Tập đoàn đầu tư quốc doanh CITIC - hiện nắm 52%.

Động thái này đi ngược với xu hướng gần đây của các công ty đa quốc gia, là giảm đầu tư vào Trung Quốc, thậm chí rời đi hoàn toàn do thách thức về kinh tế và địa chính trị. Đến tháng 12/2022, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero Covid, khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài kêu gọi giảm phụ thuộc vào quốc gia này.

Vài năm gần đây, các công ty phương Tây chịu sức ép phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 5, sau chuyến thăm Trung Quốc, CEO JPMorgan Jamie Dimon, thừa nhận làm việc tại Trung Quốc "ngày càng phức tạp". Ông dự báo theo thời gian, "thương mại Mỹ - Trung sẽ giảm dần", nhưng khẳng định đây không phải là tách rời, mà là giảm thiểu rủi ro.

Chữ M biểu tượng của McDonalds tại một khu phố ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Chữ M biểu tượng của McDonald's tại một khu phố ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Dù vậy, McDonald’s có một lợi thế lớn so với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia khác. Đó là đối tác của họ tại Trung Quốc - CITIC - là tập đoàn quốc doanh quyền lực. Jason Yu - Giám đốc khu vực Trung Quốc tại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel nhận định: "Việc này đồng nghĩa họ sẽ không bị đẩy vào thế khó về chính trị. Đây là điểm rất quan trọng".

McDonald’s đã tăng gấp đôi số cửa hàng tại Trung Quốc so với năm 2017, hiện lên 5.500 cơ sở. Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn thứ hai của công ty này. Họ đặt mục tiêu có hơn 10.000 cửa hàng tại đây năm 2028.

Yu cho rằng McDonald’s cần tiếp tục số hóa và địa phương hóa việc kinh doanh. Trong đó, địa phương hóa là chìa khóa để giành thị phần trong lĩnh vực nhà hàng phục vụ hạn chế (limited-service restaurant) có quy mô 140 tỷ USD tại Trung Quốc. Dù thực đơn tại McDonald’s khá tương tự với Mỹ, có nhiều món đã được thay đổi để phù hợp với thị trường Trung Quốc, như bánh khoai môn thay vì bánh táo.

Đối thủ của McDonald’s là Yum China - công ty điều hành chuỗi KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc - cũng đã có hơn 14.000 cửa hàng tại đây. Họ vẫn đang kiên trì với mục tiêu mở rộng.

Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, quy mô lĩnh vực nhà hàng phục vụ hạn chế tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 4% mỗi năm cho đến năm 2025. Nếu chỉ tính riêng trong nhóm nhà hàng tập trung vào burger, McDonald’s hiện thống trị với 70% thị phần.

Nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng khác của Mỹ, gồm Starbucks, Apple, Tapestry (công ty mẹ thương hiệu thời trang Coach) và Nike cũng có quyết tâm bám trụ Trung Quốc. Họ muốn bảo vệ và tăng thị phần tại đây, bất chấp cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ địa phương theo chiến lược giá rẻ.

Starbucks từ nhiều năm nay luôn đặt ưu tiên tăng hiện diện ở Trung Quốc lên hàng đầu. Cựu CEO Howard Schultz cho biết Trung Quốc đem đến cho họ cơ hội tăng trưởng lớn, dù việc kinh doanh ở đây khá phức tạp. Đây hiện là thị trường có số cửa hàng và doanh thu lớn nhì của hãng, chỉ sau Mỹ.

Các lãnh đạo Starbucks cũng kiên định với thị trường Trung Quốc. Tháng 11, họ cho biết đặt mục tiêu mở mới 1.000 cửa hàng tại đây mỗi năm, nâng tổng địa điểm lên 9.000 năm 2025.

Họ kỳ vọng Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks. "Tôi rất tự tin rằng đây chỉ là sự bắt đầu", đồng CEO của Starbucks Trung Quốc Belinda Wong cho biết trong một sự kiện hồi tháng 11.

Nike cũng đã ra mắt nhiều mẫu giày cao cấp mới, được tùy chỉnh theo sở thích của người Trung Quốc. Ví dụ, họ thiết kế mẫu Dunk Low dành riêng cho thị trường Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và tiêu dùng ì ạch năm nay đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc kinh doanh của một số vẫn khá tốt, Ben Cavender - Giám đốc chiến lược tại Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (CMRG) nhận định trên Reuters.

Ông nói rằng tầng lớp trung lưu tại đây vẫn đề cao giá trị của sản phẩm/dịch vụ và chi phí thuê mặt bằng giảm sẽ giúp lĩnh vực này tăng trưởng tốt. "Nếu anh muốn tìm thời điểm để tăng đầu tư vào Trung Quốc, đó chính là lúc này", ông nói.

Hà Thu (theo Reuters, WSJ)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342