Hotline: 039.916.2342

Điểm SAT thất sủng ở Mỹ ảnh hưởng gì đến học sinh Việt?

Theo Vnexpress |

Điểm trung bình bài thi SAT và ACT của học sinh Mỹ ngày càng thấp, nhưng sẽ không khiến khả năng vào đại học của du học sinh Việt Nam dễ dàng hơn.

SAT (Scholastic Aptitude Test) và ACT (American College Testing) là kỳ thi chuẩn hóa được sử dụng phổ biến để xét tuyển đại học, cao đẳng Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, điểm thi trung bình của học sinh Mỹ liên tục giảm trong những năm gần đây.

Năm nay, điểm ACT trung bình là 19,5/36, thấp nhất trong hơn ba mươi năm. Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ 1991, điểm ACT trung bình của học sinh Mỹ dưới 20, đạt 19,8.

Với SAT, điểm bài thi cũng giảm dần, mức lần lượt trong ba năm gần đây là 1060, 1050 và 1028 trên thang tuyệt đối 1600, theo College Board, đơn vị quản lý kỳ thi.

Điểm SAT/ACT thất sủng ở Mỹ ảnh hưởng gì đến học sinh Việt?

Ông Trần Đắc Minh Trung tại một hội thảo du học hôm 8/10 ở Hà Nội. Ảnh: Bình Minh

Ông Trần Đắc Minh Trung, thạc sĩ Giáo dục Đại học Harvard, có 10 năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh đại học Mỹ, cho biết bài thi SAT và ACT ở Mỹ dần kém phổ biến và xu hướng điểm thấp đi. Tuy nhiên xu hướng này không khiến cho việc nộp đơn vào các trường của học sinh Việt Nam dễ dàng hơn.

Lý do điểm chuẩn hóa giảm là trong dịch Covid-19, nhiều trường miễn nộp điểm này hoặc được tùy chọn nộp (optional). Trung tâm Công bằng và Minh bạch thi cử Mỹ thống kê hơn 1.900 đại học không yêu cầu thí sinh nộp điểm thi chuẩn hóa cho kỳ mùa thu 2024.

"Học sinh có thể không cần thi SAT, ACT nữa hoặc có thi mà điểm thấp thì không cần nộp", bà Nguyễn Ngọc Viên, Quản lý tư vấn du học, Công ty du học Fourdozen, Inc., giải thích.

Đã là tùy chọn nên học sinh Mỹ không quá quan tâm đến việc thi SAT, ACT nữa. Năm 2023, khoảng 1,4 triệu học sinh Mỹ thi ACT và hơn 1,9 triệu người thi SAT, thấp hơn mức 1,6 triệu và trên 2 triệu thí sinh năm 2020. Số thí sinh được dự đoán khó hồi phục về mức trước đại dịch.

Điểm học tập (GPA) và hoạt động ngoại khóa tốt đã đủ đảm bảo cho họ vào đại học. Hơn nữa đa số sinh viên Mỹ học trường công lập trong bang của mình nên việc vào đại học cũng dễ dàng hơn.

Bà Viên ví dụ, học sinh ở bang Nebraska muốn vào trường của bang chỉ cần GPA 3.0 (trên thang 4.0) là đủ. Ở Mỹ, học sinh hoạt động ngoại khóa một cách tự nhiên trong trường cấp 3, chơi thể thao hay tham gia dịch vụ cộng đồng như một phần của giáo dục. Trong khi học sinh Việt Nam muốn vào trường này phải đạt điểm trung bình 8 (trên thang 10), IELTS 6.5 cùng hoạt động ngoại khóa.

Hơn nữa, đa số sinh viên quốc tế muốn nộp vào những trường top, thường là top 150 trong hơn 3.000 trường của Mỹ. Điểm SAT trung bình của top 31 trường tại Mỹ năm kia là 1494, năm nay là 1504, theo US News.

"Nhóm giỏi càng lúc càng cạnh tranh hơn", ông Trung nói, nhìn nhận những trường này top không giảm, thậm chí còn nâng tiêu chuẩn điểm SAT cao lên từng năm. Vì thế, xu hưởng điểm giảm ở Mỹ không ảnh hưởng tới việc chuẩn bị hồ sơ của du học sinh Việt.

Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) hôm 13/11 cho biết Việt Nam hiện có 21.900 du học sinh tại nước này. Đại diện IIE từng cho biết tỷ lệ học sinh Việt Nam thi SAT tăng 45% trong giai đoạn 2018-2022.

Khảo sát từ Hiệp hội tư vấn tuyển sinh đại học quốc gia Mỹ cho thấy các đại học Mỹ không hiểu đủ sâu về hệ thống điểm ở Việt Nam. Đa số học sinh Việt không được chọn môn học ở bậc phổ thông, không có các lớp chuyên sâu AP, thư giới thiệu của giáo viên thường chưa chuẩn... Vì thế, họ vẫn cần điểm SAT để đối chiếu.

"So với trước đây, SAT đã không còn là một tiêu chí bắt buộc. Nhưng để cạnh tranh vào một trường hàng đầu tại Mỹ, việc sở hữu SAT cao vẫn là một lợi thế đáng kể", ông Trung nói.

Một số trường ở Mỹ vẫn bắt buộc nộp SAT hoặc ACT như đại học ở bang Florida, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Viện Công nghệ Georgia... Cho nên có điểm SAT cao trên 1400 là một điểm cộng khi ứng tuyển.

"Đây là cách các trường Mỹ nhìn vào hồ sơ của học sinh và biết ứng viên này có khả năng học tập tốt. Các trường cũng dựa vào điểm SAT làm căn cứ cho học bổng", bà Viên lý giải.

Điểm SAT/ACT thất sủng ở Mỹ ảnh hưởng gì đến học sinh Việt? - 1

Nhóm học sinh ở Vĩnh Phúc tham dự Triển lãm giáo dục Mỹ hôm 4/10 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Minh

Bùi Quang Minh, lớp 12 ở Lào Cai, đạt 1580/1600 điểm SAT trong kỳ thi hồi tháng 8. Minh nói dù biết SAT giờ chỉ là một lựa chọn, em vẫn quyết định thi để thử sức mình và tăng độ cạnh tranh cho hồ sơ du học Mỹ. Ngoài mục tiêu du học, em thi SAT cũng với ý định nộp hồ sơ vào một số đại học trong nước.

Còn Trần Hồng Linh, lớp 12 ở Hải Phòng, lên kế hoạch học SAT từ lớp 10. Khi biết những thay đổi trong chính sách xét tuyển đại học Mỹ, Linh không hoang mang vì xác định từ đầu học SAT không chỉ làm đẹp hồ sơ mà còn để hiểu cách học.

"Em không bỏ giữa chừng vì biết SAT có tính cạnh tranh cao. Em thi đến lần thứ ba mới đạt 1490 điểm như mong muốn", Linh chia sẻ.

Bà Viên cho rằng việc đưa SAT, ACT thành tùy chọn là mở rộng cơ hội hơn với sinh viên quốc tế. Nhờ chính sách này nên trong những năm dịch, các trường có số lượng hồ sơ nộp vào tăng đột biến.

Với những học sinh có định hướng du học sớm và còn nhiều thời gian, lớp 9, 10 hoặc đầu lớp 11, bà Viên khuyên học SAT và cố gắng thi điểm tốt. Nếu bắt đầu muộn, học sinh nên làm bài kiểm tra thử để xem ở mức điểm nào. Trên 1300 điểm trở lên mới nên thi.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng SAT chỉ là một yếu tố trong quá trình xét tuyển. Nếu không có SAT, trường sẽ xem xét kỹ hơn các yếu tốt khác về học thuật của học sinh.

"Không nhất thiết chọn SAT để lao vào, học sinh có thể cố gắng ở mặt khác như giữ điểm số trên lớp, điểm IELTS tốt, hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị hồ sơ, danh sách trường sớm", bà Viên nói.

Bình Minh

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342