Hotline: 039.916.2342

Tình người qua 300 lá thư giữa sát thủ tuổi 15 và cháu nạn nhân

Theo Vnexpress |

MỹỞ tuổi 15, Paula Cooper đâm 30 nhát dao để cướp 10 USD của bà lão hàng xóm, trở thành tử tù trẻ nhất nước Mỹ. Khi chờ hành quyết, một lá thư lạ đã xoay chuyển cuộc đời cô.

Mùa hè năm 1985, Paula Cooper 15 tuổi và đang trong giờ nghỉ trưa tại trường trung học Lew Wallace ở Gary, bang Indiana, cô cùng 2 người bạn, Karen và April quyết định bỏ lớp học buổi chiều đi chơi. Paula mới học ở đây được vài tuần và đây là lần thứ tư cô chuyển trường.

Paula có cuộc sống không êm đềm. Khi Paula 9 tuổi và chị gái 12 tuổi, mẹ cô quyết định nhốt cả ba vào ôtô, đóng cửa gara và châm lửa, tự tử. Nhưng chiếc xe đang cháy dở, người mẹ đổi ý và họ may mắn thoát chết. Cha mẹ cô đều nghiện rượu kinh niên, dạy dỗ con bằng bạo lực.

Hai cô gái nhiều lần cầu xin các nhân viên xã hội và cảnh sát đưa họ ra khỏi nhà. Họ được chính quyền cho nơi trú ẩn khẩn cấp nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời và hai chị em vẫn được giao về cho mẹ. Hai năm sau, chị gái Paula bỏ trốn, để lại một mình Paula bơ vơ trong căn nhà với cha mẹ không bao giờ tỉnh táo.

Karen và April là hai người bạn duy nhất ở trường của Paula. Họ cũng sinh trưởng trong vòng tay những phụ huynh tệ hại không kém. Các cô gái thường trốn học, rủ nhau đi uống rượu và trộm cắp.

Đầu tuần, các cô gái đã đập vỡ cửa sổ nhà hàng xóm lẻn vào lấy 90 USD. Khi tiêu gần hết tiền, April nhắc đến một bà lão sống ở ngôi nhà ngay sau nhà cô "Có vẻ bà ấy có rất nhiều tiền, đồ trang sức và nhiều thứ khác".

April rủ thêm em gái, Denise, đi cùng và nhét thêm một con dao bếp vào túi áo.

Paula Cooper bị bắt, tháng 5/1985. Ảnh: Guardian

Paula Cooper bị bắt, tháng 5/1985. Ảnh: Guardian

Nơi các cô gái đang nói đến, ngôi nhà màu trắng sáng với những hàng cột phía trước, là nhà của bà Ruth Pelke, 77 tuổi, giáo viên về hưu, sống một mình nhiều năm nay, sau khi chồng qua đời.

Karen bấm chuông. Sau một hồi chờ đợi, bà Ruth Pelke mở cửa. Các cô gái vờ hỏi bà về lớp học kinh thánh, và được niềm nở mời vào. Họ theo bà lão vào phòng ăn, nơi có một chiếc bàn lớn, một đàn organ. Bà Ruth Pelke lấy bút và tập giấy ra khỏi ngăn bàn, chuẩn bị giảng giải. Lúc này, Paula tiến tới sau lưng, đánh ngã bà, chém 30 nhát. Để lại lưỡi dao trong bụng nữ gia chủ, các cô gái đi vòng quanh lục lọi, lấy chìa khóa chiếc ôtô và 10 USD, sau đó bỏ đi.

Bob Pelke, con trai bà Ruth, sau nhiều cuộc gọi không được trả lời đã mở cửa bằng chìa khóa dự phòng, phát hiện sự việc. Vài phút sau, các thám tử bắt đầu kéo đến và ngôi nhà trắng yên ả rợp bóng cây, giờ căng kín dây nilon phong tỏa hiện trường.

Trong vòng vài ngày, 4 nghi phạm đều bị bắt. Tất cả đều là nữ, tuổi 14-16.

Công tố viên quận Lake, Jack Crawford, đã đến thăm Bob để thảo luận về việc "theo đuổi công lý" sẽ như thế nào với gia đình. Indiana khi đó là một trong 37 bang giữ án tử hình và là bang cho phép xử tử người dưới 18 tuổi. Độ tuổi tối thiểu để nhận án tử hình ở bang Indiana là 10 tuổi. Công tố viên nói các cô gái phải đối mặt với hình phạt tử hình.

Jack Crawford nổi tiếng là công tố viên cứng rắn, trong sự nghiệp 10 năm, ông đã 22 lần đề nghị bản án tử hình và thắng 17 lần, một trong những tỷ lệ kết án tử hình cao nhất của một công tố viên quận trong lịch sử bang Indiana.

Ông đã triệu tập một cuộc họp báo, xác nhận các bị can đều là thanh thiếu niên và ông đã yêu cầu xét xử cả bốn người tại tòa án dành cho người lớn. Nhưng thông báo quan trọng nhất của ông là bang sẽ theo đuổi án tử hình đối với càng nhiều bị can càng tốt. "Điều này sẽ gửi đi thông điệp rằng với một số tội ác nhất định, ngay cả một người trẻ cũng phải trả giá cao nhất", ông tuyên bố.

Karen, April và Denise mỗi người sau đó phải nhận những bản án tù dài hạn vì vai trò của họ trong vụ đột nhập.

Đến lượt Paula, trong phiên tuyên án tháng 7/1986, tòa án quận hiếm khi đông đúc đến thế. Các phóng viên ngồi chật cứng các băng ghế ở phòng xử án số 3 vì một lý do: Khả năng cao là một cô gái tuổi teen sẽ bị kết án tử hình. Cha mẹ của Paula không tới. Họ đã rời khỏi bang ngay sau khi con gái bị bắt. Khoảng 10h, Paula được một nữ cảnh sát dẫn vào phòng xử án. Mọi con mắt đều đổ dồn vào cô.

Bob Pelke thay mặt gia đình đưa ra lời cầu xin rõ ràng, một lời cầu xin báo thù: "Hãy làm những gì phải làm, tiêu diệt bọn tội phạm để những người tử tế có thể tận hưởng cuộc sống mà Chúa đã ban tặng cho họ. Một mức án nhẹ cho Paula sẽ là vô đạo đức, trái Kinh thánh, không hiệu quả, phản bội công lý và coi thường quyền sống của mẹ tôi".

Chị gái của Paula xuất hiện trước bục nhân chứng, kể lại những trải nghiệm kinh khủng của tuổi thơ hai chị em, khi bị cha mẹ bạo hành. Nhưng công chúng không mấy quan tâm.

Cuối cùng, Paula tự bào chữa rằng chưa có một ngày bình yên trong đời. Tất cả công tố, chính quyền, tòa án và truyền thông đã vô hình khi những đứa trẻ như mình cầu khẩn giúp đỡ, nhưng lại đông đủ trong ngày buộc tội. "Liệu tử hình một đứa trẻ như tôi, các vị có thấy thanh thản hơn không?", Paula nói. Phòng xử trở nên hỗn loạn.

Thẩm phán đã không nhìn thẳng vào mắt Paula khi tuyên án. "Tòa rất ái ngại về lý lịch bị cáo, thương cảm cho bị cáo vì bị cha mẹ bạo hành, điều này giải thích một phần lệch lạc trong xu hướng tính cách bị cáo. Song đây không phải là sự bào chữa. Bị cáo đã thực hiện hành vi phạm pháp và phải chịu hình phạt", bản án nêu và tuyên hình phạt tử hình.

Một loạt tiếng ồn ào vang lên khi hàng chục phóng viên chạy ra khỏi phòng để ghi lại câu chuyện của họ. Khi cảnh sát dẫn Paula ra ngoài, cô không nói gì. Mọi người đổ xô ra hành lang, nơi công tố viên Jack Crawford và gia đình nạn nhân đang đứng thành một nhóm. Có tiếng hét về phía họ: "Bây giờ các vị đã hài lòng chưa?". Đó là tiếng của chị gái của Paula, đang khóc nức nở.

Bob Pelke nói ngắn gọn với các phóng viên: "Công lý đã được thực thi". Paula sau đó bị giam tại phòng dành cho tử tù, rộng 2,5 x 3 m, không có cửa sổ, bị cách ly 23 giờ mỗi ngày, luôn sợ sẽ bị dắt lên ghế điện bất cứ khi nào.

Trong khi đó ở ngoài, có một người đau khổ không kém Paula: Bill Pelke, 26 tuổi, cháu nội nạn nhân. Với anh, bà nội còn hơn cả một người mẹ, người duy nhất trên đời không phán xét anh và luôn ôm anh với nụ cười và sự phúc hậu.

Bill từng muốn Paula phải chết, nhưng chứng kiến cô ở phiên tòa, anh không còn chắc chắn với ý muốn đó nữa.

Bill Pelke trong một cuộc vận động bãi bỏ án tử hình tại Mỹ. Ảnh: Medium

Bill Pelke trong một cuộc vận động bãi bỏ án tử hình tại Mỹ. Ảnh: Medium

Nhìn vào bức ảnh bà nội mang theo mình mỗi ngày, Bill biết rằng bà sẽ không muốn cô gái tội nghiệp ấy bị trói vào ghế điện, nhân danh cái chết của bà. "Tôi tự nghĩ rằng Paula không biết mình đang làm gì. Bất cứ ai lấy con dao đồ tể 30 cm và đâm ai đó 33 nhát đều không biết mình đang làm gì. Chuyện xảy ra ngày hôm đó là hành động loạn trí, vô nghĩa. Tôi biết rằng tha thứ là điều đúng đắn và có lẽ nên học cách tha thứ cho cô gái ấy", Bill sau này kể lại.

Bill không phải là người hay viết thư nhưng sáng 2/11/1986, anh quyết định viết thư cho người đã giết bà mình, nói rằng tha thứ và có ý định giúp đỡ cô.

8 ngày sau, anh nhận được thư trả lời của Paula. Đó là lá thư đầu tiên trong số hơn 300 bức thư họ trao đổi trong nhiều thập kỷ. "Anh không cần viết thư, đến thăm hay làm chứng xin giảm nhẹ cho em. Sự tha thứ của anh đã là một ân xá. Em thực sự không phải người xấu, nhưng cuộc đời quá khắc nghiệt với em", cô viết.

Dù cha mẹ phản đối kịch liệt, Bill tiếp tục tìm kiếm sự ân xá cho "kẻ thù". Anh công khai phát động chiến dịch xin xóa án tử hình cho trẻ em, tới Vatican, xin gặp Giáo hoàng và được Giáo hoàng John Paul II ủng hộ.

Cuối cùng, khoảng 2 triệu chữ ký đã được thu thập cho một bản kiến nghị án xá. Vụ án của Paula đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế. Bang Indiana trở nên "nổi tiếng" với luật chấp nhận việc một đứa trẻ 10 tuổi phải nhận án tử hình.

Năm 1989, Tòa án cấp cao Indiana đã tha mạng cho Paula, trích dẫn một quyết định của Tòa án Tối cao cấm hành quyết những người dưới 16 tuổi. Paula bị kết án 60 năm. Đó là một tia hy vọng.

Trong tù, Paula đã giết thời gian bằng việc học, lấy bằng trung học và học đại học trong tù. "Nhà tù dạy tôi nhiều hơn cha mẹ", cô nói. Tình bạn lạ kỳ của Bill và Paula vẫn tiếp tục qua thư, và họ chính thức gặp nhau lần đầu, năm 1994. Họ ôm nhau rất lâu, và để những giọt nước mắt tự nói. Bill đã thăm Paula tổng 14 lần, suốt thời gian cô ở tù.

"Sự thánh thiện của anh Bill, là điều tốt đẹp đầu tiên trong đời, Chúa trao cho tôi", Paula sau này nói.

paula Cooper trong ngày nhận bằng đại học, sau nhiều năm học tâoj trong tù. Ảnh: Indy Star

Paula Cooper trong ngày nhận bằng đại học, sau nhiều năm học tập trong tù. Ảnh: Indy Star

Năm 2001, Paula rạng rỡ, đội mũ cử nhân và mặc áo choàng, nhận bằng tốt nghiệp ngành nhân văn của Đại học Martin trong một buổi lễ trong tù có sự tham dự của chị gái.

Cuối cùng, sau nhiều lần giảm án, Paula được tự do tháng 6/2013, bắt đầu làm tình nguyện viên trong bếp nấu súp của nhà thờ nhưng vẫn vật lộn với "tự do". Ở tuổi 43, Paula đã sống trong tù lâu hơn ở ngoài, và sự bấp bênh đôi khi khiến cô muốn quay lại nhà tù vì cảm thấy được an toàn. Hơn nữa, tội ác vẫn đè nặng lên cô.

Ngày 28/5/2015, Paula Cooper lẻn ra khỏi nhà trước bình minh, để lại bốn bức thư viết tay, tạm biệt những người thân yêu nhất. Xác cô được tìm thấy dưới gốc cây gần nhà, tay phải vẫn cầm súng, và viên đạn duy nhất đã găm vào thái dương.

Ông Bill Pelke đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho người bạn đặc biệt. Ông tiếp tục phong trào đấu tranh bãi bỏ hình phạt tử hình khắp nước Mỹ và thế giới, đến tận ngày cuối cuộc đời, 17/11/2020.

Hải Thư (Theo The Guardian, USA today, NY daily news)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342