Hotline: 039.916.2342

Ai có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi?

Theo Vnexpress |

Công nhân khai thác than, cắt mài, nghiền đá; sản xuất đồ gốm, vải vóc, dệt may có nguy cơ hít phải một số loại bụi, tích tụ nhiều năm gây bệnh bụi phổi.

Bệnh bụi phổi là một trong nhóm bệnh lý phổi kẽ do hít phải một số loại bụi mà không được loại bỏ khỏi phổi. Tình trạng này dẫn đến hình thành mô sẹo, tổn thương mạch máu, túi khí trong phổi. Các mô bao quanh túi khí, đường dẫn khí ở người bệnh dày, buồng phổi xơ cứng, cản trở máu lưu thông và tiếp nhận oxy.

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguyên nhân chính gây bệnh là do tiếp xúc với những vật liệu có khả năng tán thành những hạt siêu nhỏ, xâm nhập vào phổi. Có nhiều loại bụi, thường gặp là amiăng, bụi mỏ than và phổ biến nhất là silic. Loại bụi này được tìm thấy trong cát, sa thạch, granite, đá phiến, kim loại và quặng than.

Bụi phổi thường gặp phải ở nơi làm việc, nơi người lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi ở mức độ cao và trong thời gian dài nên được gọi là bệnh phổi nghề nghiệp. Người có nguy cơ cao mắc bệnh như công nhân khai thác than, quặng kim loại (nhôm, sắt, đồng...); khai thác đá, cắt mài, nghiền đá; sản xuất và chế biến thủy tinh, gạch chịu lửa, đồ gốm; sản xuất vải, dệt may, khai thác bông.

Người sinh sống và làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với amiăng và hóa chất độc hại, ô nhiễm khói bụi nặng nề cũng dễ mắc bệnh. Tình trạng này dễ xảy ra khi công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị làm việc không được chú trọng, người lao động không đeo khẩu trang, đeo khẩu trang không đúng cách hoặc dùng loại khẩu trang không có tác dụng ngăn bụi hô hấp và hóa chất. Nguy cơ mắc bệnh càng cao nếu thường xuyên hút thuốc lá.

Những hạt bụi xâm nhập vào phổi phải mất nhiều năm mới phát triển thành bệnh. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nhanh chỉ sau một thời gian ngắn nếu người bệnh hít một lượng lớn bụi vào phổi, nhất là bụi silic. Bệnh có thể xuất hiện dưới nhiều dạng. Trường hợp nhẹ, trên phim X-quang sẽ thấy các đám mờ nhỏ là các sẹo nhỏ. Bệnh tiến triển phức tạp gây biến chứng, phổi rất nhiều sẹo, gọi là bệnh xơ phổi.

Tùy vào tác nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể không nhận ra biểu hiện khác thường. Thông thường người bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến nặng như ho khan hoặc ho khạc đờm đen, ho ra máu (nhất là vào buổi sáng), đau tức ngực, hụt hơi, khó thở.

Người bệnh có thể thở nhiều hơn hoặc thở gấp khi vận động như đi bộ hoặc leo cầu thang. Một số trường hợp có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh chưa thể điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị như sử dụng kháng sinh, rửa phổi, thở oxy chỉ nhằm kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nhanh, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản mạn tính, viêm phổi, xơ phổi, suy hô hấp, lao phổi, ung thư phổi, suy tim, tàn phế, mất khả năng lao động, tử vong.

Theo bác sĩ Ngọc Lan, người bệnh điều trị nhưng không chăm sóc tốt và phòng ngừa các nguy cơ khiến bệnh tái phát vẫn có thể gặp biến chứng. Để điều trị hiệu quả hơn, người bệnh cần ngừng hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với bụi và khói thuốc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám.

Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp phục hồi chức năng phổi, trước khi tập nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn bài tập phù hợp thể trạng. Trường hợp ho dai dẳng kéo dài, ho khan hoặc có đờm đen, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế khám.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Lan khuyến cáo người lao động nên tiêm vaccine đầy đủ; rửa sạch tay và mặt sau khi tiếp xúc với bụi bẩn, trước khi ăn. Đeo khẩu trang, kính mát và trang bị quần áo bảo hộ lao động đúng cách. Làm ướt vật liệu khi cắt, bào hoặc mài để tránh phát tán bụi ra không khí. Tắm rửa, thay quần áo sau khi làm việc; không ăn uống trong hoặc gần khu vực nhiều bụi.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342