Hotline: 039.916.2342

Biến chứng thường gặp khi bó bột chữa gãy xương

Theo Vnexpress |

Tê tay chân, ngứa rát da, chảy dịch, chèn ép bột là biến chứng có thể xảy ra nếu người bệnh không được bó bột đúng kỹ thuật hoặc vận động, dinh dưỡng chưa đúng cách.

ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bó bột là phương pháp hiệu quả trong điều trị gãy xương, dù có thể làm người bệnh cảm thấy bất tiện, khó vận động hay sinh hoạt hằng ngày. Phương pháp này giữ vững, thúc đẩy quá trình liền xương và phục hồi phần mềm; ngăn ngừa các cơn co thắt cơ bắp và hạn chế tổn thương.

Dù đây là thủ thuật đơn giản và phổ biến nhưng do nhiều nguyên nhân, bó bột có thể dẫn đến một số biến chứng dưới đây, theo bác sĩ Ân.

Chèn ép bột xảy ra do tình trạng sưng nề, chèn ép lên mạch máu. Nếu người bệnh bó bột ở tay hoặc chân thì đầu ngón tay, ngón chân có thể nhợt nhạt hoặc sưng tím, tê rần, khu vực bó bột đau hơn... Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử.

Viêm loét da tại các vị trí tì đè của bột, với biểu hiện đặc trưng như sốt, đau ở vị trí tì đè, dịch thấm qua bột...

Bó bột là một trong những phương pháp phổ biến điều trị gãy xương. Ảnh: Freepik

Bó bột là một trong những phương pháp phổ biến điều trị gãy xương. Ảnh: Freepik

Lỏng bột có thể làm di lệch xương bên trong khi người bệnh cử động hoặc do sự cải thiện tình trạng phù nề của phần mềm gây ra. Tác hại là dẫn đến di lệch thứ phát làm mất hiệu quả của bó bột, can xương (cầu xương bắc qua xương gãy) lành xấu hoặc không lành, lành sai vị trí gây biến dạng chi.

Cứng khớp xảy ra do bó bột lâu ngày. Sau khi tháo bột, người bệnh cần tập phục hồi chức năng đúng chỉ định để giúp khớp linh hoạt.

Thời gian bó bột thường phụ thuộc thời gian lành xương và các mô mềm xung quanh. Tùy loại xương gãy, vị trí và mức độ gãy cùng những yếu tố khác như tổn thương mô mềm xung quanh, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý nền... thời gian lành xương của mỗi người khác nhau. Thông thường, với người bệnh có sức khỏe tốt, gãy xương chi trên có thể lành sau 4-8 tuần, chi dưới là 8-12 tuần.

Bác sĩ Ân tư vấn tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Ân tư vấn tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong khoảng thời gian bó bột, để giảm nguy cơ biến chứng, người bệnh nên lưu ý những điều sau:

Kê cao chi trong 24-72 giờ đầu sau bó bột để giảm cảm giác căng tức ở phần bó bột và tránh phù nề.

Gồng cơ đúng cách. Khu vực cơ bị bó bột khi không hoạt động sẽ teo lại, làm gián đoạn quá trình hồi phục của xương, gây loạn dưỡng. Người bệnh cần hỗ trợ các cơ này hoạt động bằng động tác gồng cơ. Phần chi không bó bột cũng cần vận động để thúc đẩy lưu thông máu, ngăn ngừa cứng khớp.

Giữ vệ sinh. Nếu bột bị bẩn, thấm nước hoặc ẩm ướt có thể thấm vào lớp giấy lót trên da gây kích ứng, ngứa bên trong bột. Lúc này, người bệnh tuyệt đối không dùng bất kỳ dụng cụ gì để chọc, gãi... vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vùng da trong bột; thay vào đó, nên đến gặp bác sĩ để xử lý. Chăm sóc và vệ sinh da mỗi ngày, lau sạch các đầu chi, cả phần không bó bột. Thường xuyên thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi để tránh loét tì đè.

Dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm canxi để nâng cao thể trạng, đẩy nhanh tốc độ lành xương, cải thiện các triệu chứng đau nhức và đề phòng loãng xương.

Bác sĩ Ân khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ trước, trong và sau khi bó bột; đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như chèn ép bột, choáng, vết thương thấm dịch có mùi hôi.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342