Hotline: 039.916.2342

Biến dạng cơ quan sinh dục do rối loạn nội tiết tố

Theo Vnexpress |

TP HCMBà Thoa, 64 tuổi, thiếu hụt hormone estrogen gây dị dạng vùng kín, bí tiểu kéo dài.

Bà Thoa sinh ba con, mãn kinh 15 năm. 8 năm trước, bà bị dính bít cửa âm hộ, thu hẹp lỗ tiểu khiến bàng quang luôn trong tình trạng căng tức. Bà phải nhập viện mổ sửa dị tật cơ quan sinh dục.

Hai năm nay, bệnh tái phát nhưng bà ngại đi khám. Lâu dần, cửa vào âm đạo khép kín, khiến bà đau, mệt mỏi, mỗi lần đi vệ sinh kéo dài gần 40 phút.

Ngày 21/3, BS.CKI Trần Nguyễn Phương An, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông thường, khe niệu dục ở phụ nữ trưởng thành có kích thước 3-5 cm. Tuy nhiên trường hợp bà Hoa, khe niệu dục bị che lấp hoàn toàn, vùng kín dính chặt, biến chứng bí tiểu và viêm nhiễm.

Dính âm hộ là tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ sau mãn kinh mà nguyên nhân chính là do thiếu hụt hormone estrogen. Viêm nhiễm, vệ sinh kém, mắc bệnh da liễu, bệnh lây qua đường tình dục là các yếu tố nguy cơ cao.

Bác sĩ Phương An đánh giá tình trạng dính vùng kín mức độ nặng, gây khó tiểu như bà Thoa ít gặp. Để người bệnh sinh hoạt bình thường, ê kíp tạo một đường mổ thẳng kéo dài 4 cm tại cửa âm đạo. Sau đó tách dính, tiếp cận, kiểm tra bên trong ống âm đạo và niệu đạo. Cấu trúc bên trong của bà Thoa chưa bị dị dạng, không phải tái tạo lại cơ quan sinh dục.

Bác sĩ Phương An (trái) phẫu thuật sửa dị tật vùng sinh dục cho bà Thoa. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ Phương An (trái) phẫu thuật sửa dị tật vùng sinh dục cho bà Thoa. Ảnh: Tuệ Diễm

Sau mổ, người bệnh được hướng dẫn chăm sóc vết thương, bôi thuốc chống dính và thoa bổ sung estrogen tại chỗ, xuất viện trong ngày.

Theo bác sĩ An, bà Thoa đã phẫu thuật cách đây 8 năm nhưng tái dính vì sau phẫu thuật người bệnh không tái khám, kiểm tra định kỳ, không bổ sung estrogen. Lần này bác sĩ khuyến nghị bà chú ý vệ sinh, bổ sung nội tiết tại âm đạo có thể ngăn nguy cơ tái phát, tái khám đều đặn để được điều chỉnh liều lượng, thời gian điều trị bằng estrogen.

Bệnh không điều trị sớm làm gia tăng tình trạng nhiễm trùng tiểu ngược dòng, tổn thương thận. Ngoài ra, lượng nước thải tích tụ gây căng dãn quá mức có thể gây liệt bàng quang cơ năng, thậm chí có thể gây vỡ bàng quang.

Bệnh dính âm đạo do mắc phải có thể phòng ngừa nhờ tuân thủ vệ sinh, điều trị các bệnh viêm nhiễm, da liễu. Phụ nữ tuổi mãn kinh nên khám phụ khoa định kỳ sau 6-12 tháng.

Tuệ Diễm

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342