Hotline: 039.916.2342

Các biện pháp giảm căng thẳng cho trẻ trong đại dịch

Theo Vnexpress |

Việc cha mẹ cùng con vui chơi, thư giãn sau thời gian học online, định hướng trẻ phát triển tư duy giúp bé giảm căng thẳng khi Covid-19 kéo dài.

Dịch Covid-19 gây căng thẳng cho hầu hết các lứa tuổi, trong đó trẻ em có nguy cơ bị các tác động bất lợi nhiều nhất. Việc không đi học lâu ngày dẫn đến căng thẳng ở trẻ, thậm chí quay trở lại trường học sau khi học ở nhà quá lâu cũng có thể gây ra nhiều căng thẳng.

Nghiên cứu cho thấy rằng, khi trẻ em tiếp xúc với căng thẳng mạn tính, chúng có nguy cơ mắc một số kết quả sức khỏe tiêu cực khi trưởng thành, chẳng hạn như trầm cảm, ung thư, hen suyễn và bệnh tim mạch. Nếu bé có các dấu hiệu gặp căng thẳng liên quan đến đại dịch như mệt mỏi, lơ đãng, hay cáu gắt, khó tập trung, nóng giận vô cớ... phụ huynh có thể làm những điều sau để trấn an trẻ.

Duy trì một thói quen đều đặn

Mặc dù tạo thói quen có vẻ là một giải pháp đơn giản, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tạo thói quen có liên quan đến thành công trong xã hội và học tập. Quan trọng hơn, thói quen có thể xây dựng khả năng phục hồi trong thời gian khủng hoảng. Vì vậy, đừng bỏ qua việc duy trì một thói quen tốt mỗi ngày, điều này có lợi cho trẻ và giảm bớt căng thẳng.

Giảm áp lực học online

Giáo dục bị gián đoạn nhiều nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát. Covid-19 đẩy trẻ em vào môi trường học trực tuyến kéo dài mà không có sự chuẩn bị kỹ càng, giao tiếp hạn chế. Nếu học trực tuyến, học sinh bị hạn chế giao tiếp xã hội, với bạn bè. Cha mẹ cần đảm bảo rằng bạn không tạo quá nhiều áp lực lên trẻ trong đại dịch.

Ra ngoài thường xuyên

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khi trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 18 ra ngoài và tham gia các hoạt động ngoài trời trong Covid-19 ít suy giảm sức khỏe hơn so với thanh thiếu niên không tham gia các hoạt động ngoài trời.

Cha mẹ nên tìm cách ra ngoài với trẻ thường xuyên nhất có thể, chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp hoặc đi bộ đường dài cùng nhau. Thậm chí, việc ném đĩa bay ở công viên cũng có thể giúp trẻ giảm bớt căng thẳng.

Căng thẳng lâu ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ảnh: Freepik

Căng thẳng lâu ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ảnh: Freepik

Kết nối với người khác

Mất kết nối với bạn bè và gia đình trong một thời gian dài dẫn đến căng thẳng đối với những người trẻ tuổi. Phụ huynh nên đảm bảo rằng trẻ được kết nối với những người xung quanh. Trẻ có thể mở rộng giao tiếp hơn với những người được tiêm vaccine Covid-19 hoặc những người từng bị Covid-19 nhưng vẫn tuân thủ 5K theo quy định của ngành y tế.

Kiểm soát căng thẳng

Trẻ em thường nhìn vào cha mẹ để xác định cách họ phản ứng trong một số tình huống. Do đó, hãy đảm bảo rằng bố mẹ đang kiểm soát mức độ căng thẳng của chính mình hiệu quả. Trình bày cách kiểm soát căng thẳng thông qua thư giãn, tập thể dục, tập thở, ăn uống lành mạnh .

Có quá nhiều điều liên quan đến đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Do đó, hãy tìm kiếm những thứ mà trẻ có thể kiểm soát. Bố mẹ có thể cho phép trẻ sắp xếp lại căn phòng, chọn nơi ăn uống, chọn cây cho khu vườn của cả gia đình. Phụ huynh cho trẻ cơ hội để đưa ra quyết định hoặc có thể đảm đương một số việc trong cuộc sống.

Khuyến khích tư duy phát triển

Phải thừa nhận rằng đại dịch đã tạo ra nhiều thách thức, thất vọng, nhưng điều này không có nghĩa là phụ huynh và trẻ luôn phải sống trong sự thất vọng. Thay vào đó, hãy khuyến khích con bạn phát triển tư duy tăng trưởng, khuyến khích trẻ tìm kiếm những điều đã học được, cách phát triển trong tương lai.

Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp

Đôi khi một đứa trẻ sẽ cần nhiều hỗ trợ bên ngoài hơn những gì cha mẹ có thể cung cấp. Nếu nhận thấy trẻ đang trải qua nhiều căng thẳng, khó đối phó hoặc có dấu hiệu trầm cảm hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để nhận sự hỗ trợ chuyên nghiệp càng sớm càng tốt.

Anh Chi (Theo VeryWellFamily)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342