Hotline: 039.916.2342

Chắc suất vào đại học sau kỳ thi năng lực

Theo Vnexpress |

Giành 1.007 điểm thi đánh giá năng lực, Nguyễn Trường Tiên, thị xã An Nhơn, Bình Định tự tin đỗ Đại học Bách khoa TP HCM và Sư phạm Kỹ thuật.

Tiên nằm trong số 117 thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ đánh giá năng lực đợt một do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. Trong số 79.000 thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt một, người giành điểm cao nhất đạt 1.087 điểm, thấp nhất 210.

Trước đó, nam sinh trường THPT Nguyễn Trường Tộ đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Năm ngoái, hai ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính (Đại học Bách khoa) lấy điểm chuẩn phương thức đánh giá năng lực lần lượt là 974 và 940 điểm. Trong khi đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật lần đầu sử dụng phương thức xét tuyển này.

"Em nghĩ mình sẽ đậu vì khoảng cách điểm giữa em và bạn cao điểm nhất đợt một không chênh lệch nhiều", nam sinh cho biết.

Để đạt điểm cao trong kỳ thi lần này, ngoài học trên lớp, Tiên chăm chỉ tìm hiểu thêm kiến thức lĩnh vực Toán, Vật lý, Hóa học bên ngoài. Phần lớn yêu cầu trong đề đánh giá năng lực phù hợp với hiểu biết của nam sinh. Lúc vào phòng thi, Tiên bình tĩnh đọc kỹ đề, lần lượt trả lời câu hỏi theo thứ tự.

Nữ sinh trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh dự thi đánh giá năng lực đợt một. Ảnh: Mạnh Tùng

Nữ sinh trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh dự thi đánh giá năng lực đợt một. Ảnh: Mạnh Tùng

Tương tự Nguyễn Trường Tiên, Lưu Thái Toàn (THPT Nam Hà, Đồng Nai) trút được gánh nặng khi nhận kết quả 960 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực.

Năm nay, Toàn đăng ký nguyện vọng một vào ngành Khoa học máy tính Đại học Bách khoa TP HCM, nguyện vọng hai vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ Thông tin. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin năm ngoái là 905 nên Toàn tự tin đậu đại học. Nam sinh cũng nuôi hy vọng trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa.

Toàn kể, em không mất nhiều thời gian ôn luyện cho kỳ đánh giá năng lực, chủ yếu giải các đề minh họa, tự đánh giá khả năng rồi rút ra kinh nghiệm. "Khi làm bài, em dành 40 phút để giải quyết phần Ngôn ngữ, 60 phút để giải quyết phần Toán, 60 phút để giải quyết vấn đề và thời gian còn lại để rà soát câu hỏi", Toàn kể.

Để chắc suất đỗ nguyện vọng một Đại học Bách khoa, Toàn sẽ nỗ lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT - điều kiện cần để vào đại học. Do đã chạm một tay vào cánh cửa đại học nên nam sinh cảm thấy thoải mái trong những tháng ôn tập tới. Cậu đã hoàn thành chương trình lớp 12, hiện chuyển sang giai đoạn ôn luyện đề thi thử.

Kết quả thi đánh giá năng lực cũng là cơ hội để nhiều thí sinh chọn lại trường sau một năm không đạt kết quả tốt. Đang là sinh viên năm nhất một đại học ở TP HCM, Võ Trần Khánh Nhi đăng ký thi đánh giá năng lực để chuyển trường và giành 960 điểm. Điểm số vượt ngoài mong đợi của nữ sinh.

Nhi muốn học Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP HCM - ngành năm ngoái lấy 862 điểm. Với điểm đạt được cao hơn điểm chuẩn năm ngoái gần 100, Nhi tự tin với suất vào đại học mơ ước.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, nữ sinh vừa học ở giảng đường, ôn tập lại kiến thức THPT. Nhi tập trung ôn Toán, tham gia vào các nhóm ôn thi trên Facebook, học thêm kiến thức các môn còn lại. "Đề năm nay khá khó, nhất là môn Sinh và phần Tiếng Việt. Các phương án của nhiều câu hỏi khá rối khiến em tốn nhiều thời gian", Nhi chia sẻ.

Thí sinh TP HCM dự thi đánh giá năng lực tại Đại học Khoa học Tự nhiên, ngày 27/3. Ảnh: Thu Hương

Thí sinh TP HCM dự thi đánh giá năng lực tại Đại học Khoa học Tự nhiên, ngày 27/3. Ảnh: Thu Hương

Số liệu tuyển sinh đại học năm 2022 chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Những năm gần đây, khoảng 900.000 đến một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. 70% trong số này đăng ký xét tuyển vào đại học. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hơn 240 đại học, học viện cả nước khoảng 500.000. Năm nay có khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học.

Xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức là một trong những phương án tuyển sinh của 86 trường đại học, cao đẳng với hơn 1.500 ngành. Tỷ trọng chỉ tiêu phương thức này chiếm 20-40% tổng chỉ tiêu ở các trường phía Nam. Riêng khối trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM, con số này 50-70%.

Điểm chuẩn đánh giá năng lực những năm trước có sự chênh lệch giữa các nhóm trường. Nhóm trường top trên, trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM thường lấy 800-900 điểm; một số ngành trên 950.

Trong khi đó, các trường top giữa thường lấy điểm chuẩn 650-750. Điều này giúp nhiều thí sinh không đạt điểm cao nhưng vẫn chắc suất vào đại học.

Giành 730 điểm, Nguyên Vũ (TP HCM) tự tin trúng tuyển ngành Quản trị nguồn nhân lực, Tài chính - Ngân hàng của Đại học Công nghệ TP HCM. Những ngành này năm ngoái lấy 650-670 điểm. Kết quả kỳ thi cũng được Vũ dùng để xét tuyển các ngành tương tự ở các đại học tư. "Điểm năm nay còn thấp hơn năm ngoái nên em nghĩ, điểm chuẩn có thể giảm hoặc chí ít cũng không tăng", Vũ nói.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt hai được tổ chức vào ngày 22/5 tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang. Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển bắt đầu từ hôm nay 6/4.

Mạnh Tùng - Thu Hương

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342