Hotline: 039.916.2342

Chủ tịch Hạ viện Mỹ nêu điều kiện duyệt viện trợ cho Ukraine

Theo Vnexpress |

Chủ tịch Hạ viện Mỹ yêu cầu Nhà Trắng cung cấp chiến lược rõ ràng về Ukraine, thay đổi chính sách biên giới trước khi duyệt viện trợ cho Kiev.

"Đầu tiên, tôi muốn giải thích rằng các khoản ngân sách bổ sung cho Ukraine phụ thuộc vào quá trình thực thi những thay đổi trong chính sách an ninh biên giới của chúng ta", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson viết trong thư hồi đáp Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Nhà Trắng (OMB) Shalanda Young hôm 5/12.

Trong thư, ông Johnson đề cập cuộc họp với các quan chức chính quyền, trong đó có bà Young và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, hồi tháng 10 nhằm vạch ra những điều kiện tiên quyết để phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ ủng hộ duy trì viện trợ Ukraine.

Các nghị sĩ Cộng hòa từng nhiều lần khẳng định chính phủ Mỹ cần hành động về vấn đề biên giới để mở khóa ngân sách cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Johnson cũng bày tỏ nghi ngờ về nỗ lực hỗ trợ Kiev hiện nay.

"Quốc hội và người dân Mỹ cần có câu trả lời cho những vấn đề được chúng tôi nhắc nhiều lần, bao gồm chính sách của Mỹ tại Ukraine, các nhiệm vụ được định nghĩa rõ ràng và có thể thực hiện, tính minh bạch và trách nhiệm với nguồn tiền đầu tư vào đó, cũng như nguồn lực cụ thể nhằm giành chiến thắng và duy trì hòa bình lâu dài", ông viết.

Ông Johnson tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi cuối tháng 10. Ảnh: Reuters

Ông Johnson tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi cuối tháng 10. Ảnh: Reuters

Vấn đề an ninh biên giới luôn là đề tài tranh cãi giữa phe Cộng hòa và Dân chủ tại hạ viện Mỹ. Các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng những điều luật nhân đạo của Mỹ đang thúc đẩy tình trạng di cư hàng loạt ở tây bán cầu, trong khi đảng Dân chủ nói rằng hoạt động di cư sẽ diễn ra bất chấp mọi đạo luật và những biện pháp bảo vệ nhân đạo là cần thiết.

Bức thư được công bố một ngày sau khi giám đốc OMB gửi thư đến ông Johnson, cảnh báo sắp hết thời gian để duy trì nỗ lực viện trợ cho Ukraine. Bà nói rằng việc quốc hội Mỹ chưa thống nhất ngân sách viện trợ có nguy cơ xóa bỏ mọi thành quả Ukraine đạt được và gia tăng cơ hội để Nga giành chiến thắng quân sự.

Tổng thống Joe Biden hồi tháng 10 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch trả đũa Hamas. Tuy nhiên, phe Cộng hòa tại quốc hội tới nay chỉ thúc đẩy gói hỗ trợ cho Israel.

Quốc hội Mỹ tháng trước thông qua dự luật tài trợ cho một phần chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 19/1/2024, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng quân đội, phúc lợi cựu chiến binh, giao thông vận tải, nhà ở và năng lượng. Các điều khoản dự luật không bao gồm viện trợ cho Israel và Ukraine.

Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Mỹ, khi Ukraine đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai trong chiến sự.

Trước đây, những gói viện trợ quân sự của Mỹ, được công bố khoảng hai tuần một lần, có giá trị 300-500 triệu USD. Gói gần nhất được công bố ngày 20/11 có trị giá 100 triệu USD, cùng các gói viện trợ quy mô nhỏ gần đây, đến từ số tiền phát hiện sau lỗi hạch toán của Lầu Năm Góc.

Vũ Anh (Theo Hill)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342