Hotline: 039.916.2342

Được cộng dồn thời gian công tác để xét tặng huy chương

Theo Vnexpress |

Ngoài 24 tháng tại ngũ trở lên, thanh niên xung phong sẽ được cộng dồn thời gian công tác để xét, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Theo Nghị định 28/2024 ban hành ngày 6/3 về trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, có ba các mốc thời gian cụ thể để xem xét.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ ngày 15/7/1950 đến 20/7/1954; kháng chiến chống Mỹ từ 21/7/1954 đến 30/4/1975, trong đó có chống Mỹ ở hai miền Bắc - Nam và làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5/1972 đến 12/1975.

Với thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, có các mốc thời gian như chiến tranh biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến tháng 1/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc từ 1979 đến 1988, làm nhiệm vụ giúp Lào từ 1975 đến 1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ 1979 đến 1989 và truy quét Fulro từ 1975 đến 1992.

Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ; thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ, đã được công nhận liệt sĩ và người có thời gian tại ngũ đủ từ 24 tháng trở lên sẽ được tặng, truy tặng.

Khi xét khen thưởng, thanh niên xung phong được cộng dồn thời gian tham gia công tác trong các mốc thời gian quy định trên. Việc này nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng. Mỗi người được xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" một lần.

Bí thư TP HCM Võ Văn Kiệt thăm hỏi động viên Thanh niên xung phong đang lao động tại tỉnh Kiên Giang năm 1977. Ảnh: Tư liệu

Bí thư TP HCM Võ Văn Kiệt thăm hỏi động viên Thanh niên xung phong đang lao động tại tỉnh Kiên Giang năm 1977. Ảnh: Tư liệu

Chính phủ cũng quy định các trường hợp không được xét, truy tặng khi đã bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù hoặc tham gia chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi. Họ khi đó đã bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của người có công với cách mạng.

Hồ sơ đề nghị xét, truy tặng gốm bản khai đề nghị theo mẫu. Trường hợp người già yếu hoặc đã hy sinh, từ trần sẽ do đại diện nhân thân đứng tên lập bản khai. Khi làm hồ sơ cần một trong các giấy tờ để chứng minh như thẻ hội viên thanh niên xung phong, quyết định ghi thanh niên xung phong, giấy tờ khi trở về địa phương ghi nhận về việc đã hoàn thành nhiệm vụ...

UBND xã tiếp nhận hồ sơ, trình lên cấp huyện, tỉnh. Cuối cùng, Bộ Nội vụ có 20 ngày để thẩm định hồ sơ và trình Thủ tướng xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng, truy tặng.

Theo Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc..., hơn 400.000 nam, nữ thanh niên đã xung phong làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó hơn 6.000 người hy sinh, hơn 40.000 người bị thương, x14.000 người bị nhiễm chất độc dioxin.

Để ghi nhận sự đóng góp của từng cá nhân thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, Luật Thi đua, khen thưởng đã bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Phạm Dự

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342