Hotline: 039.916.2342

Elon Musk: Tại sao NATO vẫn tồn tại?

Theo Vnexpress |

Elon Musk đặt câu hỏi vì sao NATO tiếp tục tồn tại, ngay cả khi đối trọng của họ là Khối Hiệp ước Warsaw đã giải tán từ lâu.

Musk ngày 2/3 chia sẻ bài viết trên mạng xã hội X của nhà đầu tư Mỹ David Sacks, người cho rằng NATO không còn lý do tồn tại kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhưng thay vì giải tán, khối này đã thực hiện nhiệm vụ mới là mở rộng liên minh.

"Đúng thế. Tôi luôn tự hỏi tại sao NATO tiếp tục tồn tại, trong khi đối trọng và lý do tồn tại của họ là Khối Hiệp ước Warsaw đã tan rã", Musk viết.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk phát biểu tại Krakow, Ba Lan, ngày 22/1. Ảnh: AFP

Tỷ phú Mỹ Elon Musk phát biểu tại Krakow, Ba Lan, ngày 22/1. Ảnh: AFP

Một số người đã phản ứng dữ dội, chỉ trích tỷ phú Mỹ sau phát ngôn này. Nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Adam Kinzinger đặt câu hỏi tại sao Washington không xem xét tư cách nhà thầu an ninh quốc gia của ông Musk.

Linas Kojala, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Vilnius, lại cho rằng NATO tồn tại vì phòng thủ tập thể giúp các thành viên tiết kiệm chi phí và đảm bảo khả năng răn đe.

Moskva chưa bình luận về phát biểu của Musk. Tỷ phú Mỹ cũng không trả lời bất cứ chỉ trích nào nhắm vào bài đăng của mình.

Quân đội Bulgaria trong cuộc tập trận chung của NATO ở căn cứ quân sự Novo Selo hồi tháng 9/2023. Ảnh: AFP

Quân đội Bulgaria trong cuộc tập trận chung của NATO ở căn cứ quân sự Novo Selo hồi tháng 9/2023. Ảnh: AFP

NATO được thành lập theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ký ngày 4/4/1949, gồm 12 quốc gia sáng lập là Mỹ, Anh, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha.

Sau khi NATO ra đời, Liên Xô và 7 quốc gia Đông Âu cũng thành lập khối Hiệp ước Warsaw vào năm 1955 như một đối trọng. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khối Warsaw giải tán, nhưng NATO vẫn tiếp tục đà mở rộng về phía đông.

Trong 20 năm sau, tất cả đồng minh cũ của Nga trong khối Hiệp ước Warsaw đều trở thành thành viên NATO. Liên minh hiện nay có tổng cộng 31 thành viên, trong đó một số có chung đường biên giới với Nga.

Nga nhiều lần phản đối mở rộng NATO, coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia. Moskva mô tả NATO là "công cụ đối đầu và răn đe nhằm vào Nga", đặc biệt quan ngại về khả năng Ukraine gia nhập liên minh, nói mong muốn này của Kiev là một trong những lý do chính khiến xung đột bùng phát.

Đức Trung (Theo Newsweek, RT)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342