Hotline: 039.916.2342

Giọt nước tràn ly khiến Mỹ mất kiên nhẫn với Israel

Theo Vnexpress |

Vụ lính Israel nổ súng khiến hơn 100 dân thường Gaza thiệt mạng hồi tháng hai được cho là "giọt nước tràn ly" khiến ông Biden mất kiên nhẫn với Tel Aviv.

Việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định cử một phái đoàn tới Washington để trình bày với chính quyền Mỹ về kế hoạch mở chiến dịch tấn công vào Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở Dải Gaza, đang phản ánh tình trạng thực sự của mối quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết, khi chiến sự Gaza đã kéo dài hơn 5 tháng.

Thủ tướng Israel thường xuyên hứa hẹn với công chúng về một chiến thắng toàn diện trước Hamas và tự hào về quyền ra quyết định độc lập của Israel, bất chấp căng thẳng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nam Carolina ngày 27/1. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nam Carolina ngày 27/1. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ý tưởng về việc Israel có thể tự do hành động mà không có sự trợ giúp, hậu thuẫn của Mỹ đã bị ngoài nghi ngay từ khi Tel Aviv phát động chiến dịch tấn công Gaza hồi tháng 10 năm ngoái.

Tổng thống Biden ban đầu ủng hộ hành động của Israel, nhưng khi thương vong dân thường ở Gaza ngày một cao, ông đã tăng cường sức ép để Thủ tướng Netanyahu sớm chấm dứt chiến dịch và đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Biden gần đây phát tín hiệu quyết liệt hơn bằng quyết định thả dù hàng viện trợ vào Dải Gaza và xây dựng một bến tàu nổi nhằm đưa hàng hóa thiết yếu vào khu vực nhanh hơn. Mỹ cũng giảm tốc độ cung cấp vũ khí cho Israel trước làn sóng phản đối ngày càng tăng của công chúng nước này.

Thông điệp ban đầu được Nhà Trắng gửi qua Benny Gantz, Bộ trưởng nội các thời chiến của Israel, người đã đến thăm Washington hồi đầu tháng, với nội dung nhấn mạnh chính quyền Mỹ sẽ không cho phép Israel tiến quân vào thành phố Rafah trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, điều có thể gây ra một thảm họa nhân đạo thực sự.

Nhưng lời cảnh báo này dường như đã bị Thủ tướng Netanyahu phớt lờ, khi ông tuyên bố chiến dịch tấn công Rafah sẽ sớm diễn ra. Điều đó đã khiến Mỹ tức giận và quyết định có động thái quyết liệt hơn.

Tổng thống Biden hồi đầu tuần điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, yêu cầu Israel cử một phái đoàn tới Washington để thảo luận về chiến dịch tấn công Rafah mà họ dự định tiến hành.

Lãnh đạo Israel quyết định cử Bộ trưởng các Vấn đề Chiến lược Ron Dermer và Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanebbi lên đường vào tuần tới. Tuy nhiên, những người đứng đầu cơ quan quốc phòng Israel chỉ biết về việc này qua thông báo từ Nhà Trắng. Thủ tướng Netanyahu không thông báo cho họ.

Giới quan sát cho rằng việc cử hai quan chức cấp cao tới Washington là động thái xoa dịu của Israel, khi nhận thấy Mỹ đã hoàn toàn mất kiên nhẫn với họ. Những thay đổi cơ bản trong chính sách của Tổng thống Biden với Israel bắt đầu vào cuối tháng hai, sau "giọt nước tràn ly" là vụ hơn 100 thường dân ở Gaza thiệt mạng trong lúc vây quanh một đoàn xe tải viện trợ.

Đám đông vây quanh xe tải viện trợ trong vụ nổ súng ngày 29/2. Ảnh: IDF

Đám đông vây quanh xe tải viện trợ trong vụ nổ súng ngày 29/2. Ảnh: IDF

Giới chức Gaza cáo buộc binh sĩ Israel đã nổ súng vào dân thường đang tìm cách tiếp cận đồ viện trợ, gây ra cảnh hỗn loạn, khiến 115 người thiệt mạng và ít nhất 750 người bị thương.

Dù Israel giải thích rằng binh sĩ nước này nổ súng để "vô hiệu hóa mối đe dọa" khi phát hiện nhóm khả nghi tiếp cận lúc đám đông giành giật hàng viện trợ, thảm kịch đã gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế và khiến Tổng thống Biden mất kiên nhẫn ngay lập tức.

Kể từ đó, những lời cảnh báo cứng rắn từ Mỹ liên tục được phát đi. Biểu hiện đáng chú ý nhất là phát biểu của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer vào tuần trước, khi mô tả Thủ tướng Netanyahu là "trở ngại cho hòa bình" và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới ở Israel.

Tuyên bố của Schumer được đánh giá là một đòn giáng vào uy tín của Netanyahu, thậm chí tương đương một lời kêu gọi hạ bệ lãnh đạo này. Tổng thống Biden cho rằng bình luận của ông Schumer là "một bài phát biểu hay".

Theo giới quan sát, thông điệp mà Mỹ đưa ra là họ đã mất kiên nhẫn và đang gây áp lực ngày càng tăng lên Israel nhằm ngăn chặn những hành động tiếp theo của quân đội nước này ở Gaza.

Ảnh hưởng của Mỹ tới Israel đã được nhìn thấy rõ ngay từ đầu cuộc xung đột, khi Tổng thống Biden cảnh báo Tel Aviv không được phép mở ra một mặt trận mới với Iran bằng cách đối đầu Hezbollah, hay thông qua những cuộc họp thường xuyên thảo luận về kế hoạch hành động giữa các quan chức chính quyền với nội các thời chiến Israel. Kể từ đó, mối phụ thuộc của Israel vào Mỹ ngày càng sâu sắc.

Sức ép công khai của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chống lại chiến dịch tấn công Rafah đã hạn chế đáng kể phương án hành động của Israel.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về chiến dịch tấn công Rafah vì hơn 1,5 triệu thường dân Palestine đang tập trung ở đó, trong hoàn cảnh bên bờ vực của một thảm họa nhân đạo.

Công chúng Israel hầu như không biết đến điều này bởi hầu hết các phương tiện truyền thông nhà nước đều hạ thấp cuộc khủng hoảng. Nhưng theo bình luận viên Amos Harel của báo Haaretz, Hamas cũng đang thổi phồng tình hình nhân đạo ở Gaza và nó đang ảnh hưởng đến phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn.

Mỹ đang tăng cường gây áp lực để Israel đi đến một thỏa thuận thả con tin kết hợp lệnh ngừng bắn với Hamas. Theo đó, hai bên sẽ ngừng giao tranh 6 tuần, Israel thả gần 1.000 tù nhân Palestine để đổi lấy khoảng 40 con tin đang bị Hamas bắt.

Tuy nhiên, các bên đến nay chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào và thông tin về tiến trình đàm phán ở Doha, thủ đô Qatar, vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Điểm sáng là một số thành viên phái đoàn Israel vẫn ở Doha và các cuộc đàm phán vẫn diễn ra cho thấy cơ hội đạt được tiến bộ vẫn còn.

Đây là thứ không có ở các vòng đàm phán trước tại Paris và Cairo, nơi phái đoàn Israel nhanh chóng quay trở về nước mà không đạt được bất kỳ tín hiệu tích cực nào.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 20/3 nói các bên đang tiến gần hơn tới việc đạt thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin, thêm rằng họ chỉ còn chờ sự chấp thuận của Hamas.

Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar tại Dải Gaza hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP

Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar tại Dải Gaza hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP

Bên quyết định cuối cùng nằm ở Yahya Sinwar, người lãnh đạo Hamas ở Gaza. Có thông tin cho rằng liên lạc với Sinwar đã bị gián đoạn vì ông đang phải lẩn trốn IDF và cơ quan an ninh nội địa Israel Shin Bet.

Theo một số nguồn tin, hồi cuối tháng 11/2023, Sinwar từng mất kiên nhẫn trong việc xử lý các tiểu tiết của cuộc đàm phán và chỉ đơn giản quyết định ủng hộ thỏa thuận mà không lắng nghe thêm bất kỳ lời khuyên nào từ những lãnh đạo Hamas khác. Lần này, điều đó cũng có thể xảy ra, bình luận viên Harel từ báo Haaretz lưu ý.

Nhiều người hy vọng một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza có thể đạt được thông qua thỏa thuận giữa Israel và Hamas, trong đó Sinwar và các lãnh đạo Hamas khác sẽ rời khỏi Gaza, đổi lại họ có thể được Israel đảm bảo an toàn.

Vũ Hoàng (Theo Haaretz)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342