Hotline: 039.916.2342

Hang khảo cổ nguy cơ thành phế tích

Theo Vnexpress |

Nghệ AnDi tích quốc gia hang Đồng Trương ở huyện Anh Sơn, nơi lưu dấu khảo cổ đa văn hóa quý hiếm thời kỳ Hòa Bình và Đông Sơn, đang bị lãng quên.

Di tích là hang karst trong núi đá vôi Kim Nhan, cách quốc lộ 7 khoảng 70 m, thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Hang cao khoảng 4 m so với bề mặt thung lũng Đồng Trương, cấu tạo hàm ếch, quay ra hướng đông. Cửa hang rộng 16 m, cao 15 m, nền chỗ bằng phẳng rộng chừng 200 m2.

Năm 2003, ông Nguyễn Văn Đoài ở xã Hội Sơn vào hang Đồng Trương thì thấy chiếc rìu cổ nên trình báo nhà chức trách. Qua nghiên cứu thám sát, chuyên gia xác định hang Đồng Trương nằm cách sông Lam qua một thung lũng, cách đó khoảng 30 m có một con suối với nhiều nguyên liệu đá cuội và có nước quanh năm. Đây là điểm ngụ cư lý tưởng của người tiền sử.

Di tích quốc gia hang Đồng Trương. Ảnh: Đức Hùng

Di tích quốc gia hang Đồng Trương. Ảnh: Đức Hùng

Năm 2004-2006, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Nghệ An tổ chức khai quật hang, phát hiện 1.173 di vật đồ đá, đồng, sắt, đất nung, xương răng động vật, dấu tích tro than thuộc văn hóa Hòa Bình (thời tiền sử); 4.083 mảnh gốm, 16 dọi se chỉ đất nung, dụng cụ lao động văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn (thời sơ sử).

Ngoài ra, các chuyên gia còn phát hiện nhiều đồ đồng, kim khí, đồ gốm. Hiện vật thu được nhiều nhất là vỏ sò, trong đó có những loại giống đưa từ biển lên. Đặc biệt nhất là tìm thấy 12 ngôi mộ táng gần cửa hang, niên đại 10.000-12.000 năm.

Việc phát hiện hang Đồng Trương được xếp vào một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2004. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá đây là di tích hiếm có ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hang được xác định là nơi nhiều thế hệ người Việt cổ sinh sống, vì có cả đồ đá, kim khí, thủy tinh. Con người cư trú ở đây lâu nhất hơn 10.000 năm, gần nhất khoảng 2.000 năm.

Vỏ sò là hiện vật thu được nhiều nhất trong đợt khai quật năm 2004-2006, nay vương vãi giữa nền đất. Ảnh: Đức Hùng

Vỏ sò là hiện vật thu được nhiều nhất trong đợt khai quật năm 2004-2006, nay vương vãi giữa nền đất. Ảnh: Đức Hùng

Tháng 5/2017, di chỉ khảo cổ Đồng Trương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Dịp đón nhận bằng di tích vào tháng 2/2018, nhà chức trách huyện Anh Sơn đã làm triển lãm ảnh hiện vật ở trong hang.

Được kỳ vọng là địa điểm phát triển văn hóa, du lịch, thu hút du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ, song đến nay hang Đồng Trương có nguy cơ trở thành phế tích.

Hiện di tích khảo cổ này là hang đá hoang vu. Trước cửa ra vào có hàng rào sắt và dây thép gai, song đã hoen rỉ. Bảng chỉ dẫn cũ kỹ được đặt một bên vách đá, bên trong rác thải vương vãi. Hàng chục cụm thạch nhũ bị vỡ, mặt đất nhiều chỗ bị đào xới, vỏ sò trồi lên khỏi mặt hang...

Đường dẫn vào di chỉ cây dại mọc cao gần 2 m, che khuất cả lối đi lẫn bảng dẫn tích đặt bên quốc lộ 7. Mặt hang gần như bị cây cối bao phủ, cách đó khoảng 30 m là cánh đồng cỏ rộng lớn, người dân thường lùa trâu bò ra chăn thả.

"Thấy di tích không ai trông coi, ngày càng xuống cấp, tôi rất tiếc. Mong chính quyền địa phương có kế hoạch cải tạo để di tích phát huy hết các giá trị văn hóa, khảo cổ", ông Nguyễn Văn Tiến, 75 tuổi, trú xã Hoa Sơn, nói.

Hang khảo cổ nguy cơ thành phế tích
 
 

Hiện trạng hang Đồng Trương, tháng 3/2024. Video: Đức Hùng

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch xã Hội Sơn, cho biết hang Đồng Trương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, bởi cách đó vài chục mét có khe nước ngầm, mát lạnh quanh năm. Xã rất muốn đầu tư tôn tạo, nhưng không có vốn. Kinh phí bảo tồn ước tính hàng chục tỷ đồng. Huyện đang trình kế hoạch lên tỉnh xin nguồn. Ngoài ra, di tích thuộc khu đất quốc phòng, vừa rồi địa phương đã làm việc với phía quân đội để khảo sát thực địa, xin bàn giao đất.

"Xã và huyện đang làm đề án nâng cấp, duy tu bảo dưỡng di tích. Ngoài thúc đẩy du lịch, chính quyền muốn đây là nơi trải nghiệm, giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa trong những giờ ngoại khóa", ông Thọ nói.

Theo ông Thọ, xã đang thuê một người bảo vệ, ngăn người dân, trâu bò xâm nhập di tích. Khi chưa được bàn giao đất, trước mắt địa phương muốn nâng cấp đường nối từ quốc lộ 7 vào cửa hang với kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn chưa bố trí được vốn.

Khu vực trước cửa hang thường được người dân lùa trâu bò đến chăn thả. Ảnh: Đức Hùng

Khu vực trước cửa hang thường được người dân lùa trâu bò đến chăn thả. Ảnh: Đức Hùng

Bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, cho biết hiện nay chưa có kế hoạch tu bổ, tôn tạo hang Đồng Trương bởi Sở chưa nhận được đề xuất từ huyện quản lý di tích. Thời gian tới, khi tiếp nhận văn bản của huyện Anh Sơn, Phòng sẽ tham mưu trình lên tỉnh xem xét.

Theo bà Anh, việc tôn tạo hang Đồng Trương gặp nhiều khó khăn, bởi đây là di chỉ khảo cổ, nếu tu bổ mà không có chuyên gia góp ý thì rất dễ làm thay đổi hiện trạng, mất các tầng địa chất của di tích. Vì vậy cần thận trọng, các kế hoạch tôn tạo phải căn cứ theo đề xuất của huyện và quá trình khảo sát kỹ lưỡng.

"Địa bàn có nhiều di tích, công trình được yêu cầu tu sửa thường xuyên. Sở sẽ xem xét quy mô, ưu tiên những di tích có giá trị, đang xuống cấp để làm trước. Với khảo cổ thì sắp tới cần có quy hoạch chung cho tất cả di chỉ trên toàn tỉnh để có sự đầu tư đồng bộ", Trưởng phòng Quản lý di sản nói.

Nghệ An hiện có có 27 di tích khảo cổ học lưu dấu ấn của người Việt cổ thuộc các giai đoạn của thời đại đá mới. Nhiều địa điểm nay xuống cấp, chưa tu bổ.

Đức Hùng

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342