Hotline: 039.916.2342

Hội An thu phí rác thải theo thể tích

Theo Vnexpress |

Quảng NamMỗi tháng gia đình ông Phạm Ngọc Hải nhận 16 túi nylon đựng rác thể tích 10 lít do TP Hội An cấp, quy đổi từ 30.000 đồng phí vệ sinh môi trường.

Gia đình ông Hải, ở đường Nguyễn Tri Phương, là một trong hơn 1.600 hộ dân phường Cẩm Nam đang trả phí xả rác theo thể tích. Đây là chương trình thí điểm của TP Hội An từ cuối năm 2023, hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo Luật Bảo vệ môi trường.

Quy đổi 30.000-60.000 đồng phí vệ sinh, hàng tháng thành phố cấp phát cho mỗi hộ dân, hộ kinh doanh một số túi nylon đựng chất thải với năm loại thể tích. Trong đó, túi nhỏ nhất thể tích 10 lít là 1.900 đồng, lớn nhất 40 lít 15.000 đồng.

Ông Hải được quy đổi 30.000 đồng phí rác hàng tháng nhận 16 túi loại 10 lít. Trong đó 8 túi đựng rác hữu cơ, 8 túi đựng rác khó phân hủy. Ảnh: Đắc Thành

Mỗi tháng gia đình ông Hải chỉ dùng hết tám túi đựng chất thải loại 10 lít. Ảnh: Đắc Thành

Hộ ông Hải nhận 16 túi thể tích 10 lít, trong đó 8 túi đựng rác hữu cơ in chữ màu xanh, còn lại túi đựng rác vô cơ khó phân hủy in chữ màu đen. Gia đình ông có ba người, trung bình ba ngày thải ra môi trường khoảng 2 kg rác hữu cơ, còn rác vô cơ khó phân hủy thì ít hơn.

"Một túi có khi cả tuần mới đầy rác, sử dụng không hết thì tôi cho hàng xóm", người đàn ông 60 tuổi nói, nhẩm tính mỗi tháng có thể dư 8 túi, tiết kiệm 15.000 đồng nên ủng hộ cách thức thu phí này.

Cách nhà ông Hải 500 m, gia đình bà Hồ Thị Quý là hộ kinh doanh nên phải đóng phí vệ sinh môi trường 60.000 đồng, tương đương nhận 4 túi loại 40 lít một tháng. Nhưng một tuần rác đã đầy hai túi, số lượng được phát không đủ nên bà phải dùng thêm túi nylon thông thường hoặc bao tải để chứa chất thải.

"Rác thải trong túi thông thường vẫn được công nhân vệ sinh môi trường thu gom", bà nói, cho hay nếu chính thức thu phí theo khối lượng hoặc thể tích, nhà bà có thể tốn thêm khoảng 60.000 đồng mỗi tháng.

Trên nhiều tuyến phố, ngõ hẻm, công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải thu gom nhiều túi nylon thông thường đựng rác không phân loại. Nhiều người cho rằng việc thu phí thông qua bán túi chỉ là hoán đổi nên không khác trước đây. Nếu dùng hết số túi được phát, nhiều người vẫn có thể sử dụng túi thông thường hoặc xả rác bên ngoài khu vực thu gom để không phải bỏ tiền mua thêm.

Một đống rác được người dân tập kết bên đường chờ công nhân đến thu gom để trong túi nylon, bao bì thông thường. Ảnh: Đắc Thành

Nhiều người dân vẫn để rác trong túi nylon và bao bì thông thường để mang đi đổ. Ảnh: Đắc Thành

Sau ba tháng thí điểm, gần 50% hộ dân ở phường Cẩm Nam dùng túi được thành phố cấp phát để chứa rác. Số hộ còn lại chưa ủng hộ nên vẫn cho rác vào túi thông thường mang đi đổ. "Chính quyền khuyến khích người dân dùng túi được cấp phát nhưng nhiều người dùng hết cũng không mua thêm", bà Huỳnh Phạm Thùy Lan, Phó chủ tịch phường Cẩm Nam, nói. Là nơi đầu tiên thí điểm nên trước mắt phường chủ yếu tuyên truyền để người dân có thói quen phân loại rác.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An, thu phí theo thể tích thông qua bán túi là "cách tính hợp lý nhất nhưng cần có thời gian để người dân làm quen và chấp nhận việc xả rác nhiều thì phải trả nhiều tiền".

Hội An chưa đồng bộ đầu tư hạ tầng xử lý, phân loại, thu gom, hầu hết rác thải sinh hoạt được xử lý bằng chôn lấp. Do vậy, thành phố kỳ vọng sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại giữa năm nay thì có thể nhân rộng mô hình thu phí theo thể tích hoặc khối lượng.

"Lâu nay hộ dân thải rác nhiều cũng giống hộ thải ít, mỗi tháng đóng 30.000 đồng nên không công bằng. Chúng tôi biết việc thu phí theo khối lượng, thể tích là khó nhưng vẫn quyết tâm làm vì lợi ích lâu dài", ông Sơn nói, cho hay sau thời gian vận động sẽ tiến tới xử phạt hộ dân không chấp hành.

Một hộ dân trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm Nam chấp hành phân loại rác, bỏ vào túi được phát đưa ra lề đường cho công nhân môi trường thu gom. Ảnh: Đắc Thành

Một hộ dân trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm Nam phân loại và bỏ rác vào túi được cấp phát đưa ra lề đường chờ thu gom. Ảnh: Đắc Thành

Ông Trần Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình Hội An, cho biết đơn vị chỉ có thể từ chối thu gom rác không để trong túi đựng được cấp phát khi thành phố thành phố có hướng dẫn và quy định cụ thể.

Hội An là thành phố du lịch, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt. Thành phố triển khai quy định phân loại rác tại nguồn từ năm 2012 và đến nay 60-80% hộ dân thực hiện tùy thời điểm. Rác hữu cơ được thu gom vào thứ hai và sáu, rác vô cơ khó phân hủy vào thứ ba và năm.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích.

Các quy định về thu phí xử lý rác sinh hoạt được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt; kỹ thuật phân loại rác... UBND cấp tỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; quy định hình thức thu phí. Tuy nhiên, đến nay nhiều tỉnh thành chưa ban hành quy định phân loại rác thải rắn.

Đắc Thành

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342