Hotline: 039.916.2342

Hội chứng Cushing có nguy hiểm?

Theo Vnexpress |

Tôi 33 tuổi, đi khám phát hiện mắc hội chứng Cushing. Đây là bệnh gì, có nguy hiểm không? (Hoàng Hà, Tây Ninh)

Trả lời:

Hội chứng Cushing xảy ra khi cơ thể có quá nhiều hormone cortisol từ bên ngoài hay từ bên trong cơ thể. Cortisol là một hormone steroid, còn gọi hormone stress. Cơ thể giải phóng cortisol khi căng thẳng, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng độ căng cơ.

Cortisol cần thiết cho cơ thể nhằm duy trì huyết áp, điều hòa đường huyết, giảm viêm, cân bằng hô hấp, cân bằng lượng muối trong cơ thể, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.

Các tuyến nội tiết có khả năng điều tiết hormone cortisol gồm tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ phía trên thận), tuyến yên (trong não), vùng dưới đồi (trong não phía trên tuyến yên).

Hội chứng Cushing xảy ra do hai nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh. Nguyên nhân ngoại sinh chủ yếu do người bệnh sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài để điều trị các bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Lupus, Addison, viêm khớp dạng thấp, đau khớp... Người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc gia truyền chứa corticoid cũng dễ mắc hội chứng Cushing.

Hội chứng Cushing nội sinh hình thành do cơ thể tự tăng sinh quá nhiều hormone cortisol. Một số khối u có thể gây tăng sản xuất cortisol.

Bác sĩ Bích khám cho một người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Bích khám cho một người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bệnh thường gặp ở người từ 25 đến 50 tuổi; người đang dùng thuốc corticoid để điều trị bệnh mạn tính; người lạm dụng corticoid.

Các dấu hiệu để nhận biết hội chứng Cushing gồm tăng cân không lý do; teo cơ ở tay và chân; tích mỡ ở mặt, cổ, vai, bụng; dễ bị bầm dù chỉ va chạm nhẹ. Người bệnh bị khô da; rạn da ở bụng, ngực, hông; cơ yếu, rậm lông, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, rối loạn cương dương ở nam... Trẻ mắc hội chứng này thường bị béo phì và phát triển chậm.

Hội chứng Cushing kéo dài không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng, thuyên tắc tĩnh mạch ở phổi và chân, trầm cảm, đau tim, tăng cân, gặp vấn đề về trí nhớ, khó tập trung, huyết áp cao, cholesterol cao, dễ gãy xương, bệnh tiểu đường type 2, tử vong.

Hội chứng Cushing do thuốc không được điều trị có thể gây suy tuyến thượng thận. Nếu người bệnh bị suy tuyến thượng thận cấp (tình trạng cấp cứu nguy hiểm) và không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Tình trạng của bạn nên tái khám định kỳ và tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Điều trị hội chứng Cushing dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Với hội chứng Cushing ngoại sinh, bác sĩ có thể giảm liều corticoid từ từ hoặc kê một đơn thuốc mới không chứa corticoid. Người bị hội chứng Cushing nội sinh cần được xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân gây tăng tiết hormone cortisol, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Hội chứng Cushing nội sinh không thể phòng ngừa, nhưng trong trường hợp ngoại sinh có thể ngăn chặn bằng cách dùng thuốc có chứa corticoid đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự mua thêm thuốc nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.

Corticoid còn có trong nhiều loại kem bôi chống viêm da, thuốc trị viêm xoang, các loại thuốc có khả năng giảm đau tức thì... Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342