Hotline: 039.916.2342

Hội chứng sợ đau đẻ

Theo Vnexpress |

TP HCMChưa tới ngày sinh, chị Hương sợ đau đẻ đến mất ngủ, xin bác sĩ mổ sớm hơn dự sinh ba tuần "cho nhanh gọn".

Chị Hương đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám thai ở tuần 37, mang theo giỏ đồ sinh. ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, kiểm tra cổ tử cung đóng, chưa chuyển dạ, khuyên chị về nhà nghỉ ngơi, còn thai phụ mong muốn mổ sinh sớm. "Tôi sợ đau", chị nói.

Nỗi sợ của chị Hương khởi nguồn từ lần sinh con trai đầu lòng vào tháng 7/2021, thời điểm giãn cách xã hội vì Covid-19. Chị nhiễm nCoV, cách ly tại một bệnh viện ở TP HCM, chuyển dạ kéo dài từ sáng đến đêm, sức cạn. Lúc nguy cấp chị rặn yếu ê kíp phải hỗ trợ sinh bằng giác hút, một dụng cụ bám chặt lên đầu thai nhi dưới áp lực chân không để hỗ trợ kéo em bé ra ngoài. Cuộc sinh thành công, nhưng người mẹ rách đường sinh dục, đau đớn.

Lần này, nghĩ đến chuyện cũ, chị Hương căng thẳng, mất ngủ, muốn chủ động mổ sinh sớm. Tuy nhiên, thai kỳ của chị suôn sẻ, bác sĩ Tâm động viên chị sinh con theo tự nhiên.

Sản phụ vượt cạn sinh thường tại phòng sinh gia đình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm

Sản phụ vượt cạn sinh thường tại phòng sinh gia đình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm

Khác với chị Hương, chị Thùy 24 tuổi, ở tuần thai 35, chị đi hai bệnh viện khám, đăng ký sinh mổ chủ động. "Tôi sợ rặn đẻ không được, nguy hiểm đến con", chị Thùy nói.

Bác sĩ Tâm cho biết chị Hương và chị Thùy có thể mắc hội chứng sợ sinh con (Tokophobia). Đây không phải bệnh mà là rối loạn tâm lý do sợ hãi quá mức khi mang thai và khi sinh con, bao gồm các nỗi sợ như sợ mang thai dị tật, sợ thai chết lưu, sợ đau, sợ bé bị chấn thương, người mẹ rách đường sinh dục, nguy hiểm tính mạng. Hội chứng này có thể gặp ở người chưa từng sinh con hoặc xảy ra sau khi có trải nghiệm sinh không tốt.

Sợ hãi trong tháng cuối thai kỳ, trước chuyển dạ được coi là triệu chứng điển hình nhất. Phụ nữ có thể trầm cảm, lo âu ảnh hưởng đến cuộc sống, giấc ngủ, nhịp tim thai, quá trình vượt cạn. Lúc này, thai phụ gần như không thể hợp tác với bác sĩ.

Bác sĩ Thanh Tâm dẫn các nghiên cứu cho thấy nhiều phụ nữ trải qua nỗi sợ hãi liên quan đến sinh con, song điều này hoàn toàn bình thường, vì sinh con là một quá trình phức tạp.

Hiện không có số liệu cụ thể về tình trạng này tại Việt Nam, tuy nhiên, theo báo cáo Tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2022 của Bộ Y tế, tỷ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng liên tục trong 15 năm qua. Năm 2005, tỷ lệ sinh mổ ở Việt Nam là 12%. Tới năm 2022, tỷ lệ này là 37%. Các chuyên gia phân tích tỷ lệ mổ đẻ tăng một phần vì ngày nay tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu tăng cao, do phụ nữ sợ đau hoặc muốn chọn ngày đẹp, giờ đẹp...

Giống như các chứng bệnh tâm lý khác, hội chứng sợ sinh con được chẩn đoán bởi chuyên gia sức khỏe về lĩnh vực tâm thần. Trong một số trường hợp, bác sĩ sản phụ khoa có thể chẩn đoán. Sợ sinh có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, mức nghiêm trọng dẫn đến mất tự chủ, hoảng loạn phải sinh mổ gây mê.

Đến nay các nhà nghiên cứu chưa xác định nguyên nhân gây hội chứng này. Họ đặt ra giả thuyết để giải thích do rối loạn cơ chế điều chỉnh sự lo lắng, chăm sóc y tế (kiểm soát cơn đau không hiệu quả, sợ mất kiểm soát hoặc tử vong) hoặc giao tiếp xã hội như theo dõi, trò chuyện với phụ nữ đã trải qua ca sinh đau thương.

Tùy nguyên nhân, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị theo phương pháp cá thể hóa. Thai phụ có thể can thiệp không dùng thuốc như tư vấn tâm lý, tham gia lớp học tiền sản, tập yoga trước sinh. Hiện, một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thiết kế các gói chăm sóc sản khoa hiện đại, dịch vụ hỗ trợ để giảm đau, lành vết thương khi sinh thường, sinh mổ... Theo bác sĩ Thanh Tâm, các phương pháp điều trị hiệu quả giúp phụ nữ tự tin vào khả năng sinh con.

Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau trong chuyển dạ. Ảnh: Hữu Dung

Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau trong chuyển dạ. Ảnh: Hữu Dung

Chị Hương được bác sĩ tâm lý tư vấn trước sinh, lên kế hoạch giúp chị vượt cạn an toàn. Quá trình chuyển dạ lần hai của Hương kéo dài 6 tiếng. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp chị giảm đau sớm.

ThS.BS.CKII Phan Thị Thu Yến, Phó khoa Gây mê hồi sức cho biết khi vào chuyển dạ thực sự, sản phụ đau do tần suất và cường độ các cơn co thắt tử cung tăng dần.

Bình thường khi vào giai đoạn hoạt động, cổ tử cung mở khoảng 4 cm, thời điểm có thể làm giảm đau sản khoa. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cũng như thế giới có thể đặt catheter ngoài màng cứng vào bất kỳ thời điểm nào sau khi đã chuyển dạ, tùy theo yêu cầu của sản phụ, không căn cứ vào mức độ mở của cổ tử cung.

Trong trường hợp sản phụ có các vấn đề tâm lý như hội chứng sợ sinh con, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp giảm đau sớm theo kế hoạch và dùng phương pháp PCEA (Patient-Controlled Epidural Analgesia). Phương pháp này sử dụng máy bơm tiêm chuyên dụng chứa thuốc giảm đau, mỗi khi đau người bệnh có thể tự bấm, thuốc truyền tự động vào cơ thể kịp thời.

Nhờ vậy, chị Hương giảm đến 80% đau đớn khi chuyển dạ ở tuần thai 39. Cuộc sinh có bác sĩ sản, sơ sinh cùng các điều dưỡng túc trực, động viên, hướng dẫn rặn.

Chị Thùy cũng thay đổi suy nghĩ sau khi được bác sĩ phân tích lợi ích sinh thường, sinh mổ tại lớp học tiền sản Tâm Anh. Đầu tháng 3, chị vỡ ối ở tuần 38, cổ tử cung mở tốt, em bé siêu âm trước sinh nặng 3,8 kg song bác sĩ đánh giá khung chậu tốt vẫn hỗ trợ sinh thường thuận lợi. Chiều tối, Thùy đã đi lại, ăn uống bình thường, không cần đến thuốc giảm đau.

Tuệ Diễm

20h thứ Năm, ngày 21/3, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Mang thai an toàn, đẻ không đau và tiêm vaccine quan trọng đầu đời cho trẻ" phát trên fanpage CongTinTuc.vn.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, ThS.BS.CKII Phan Thị Thu Yến, ThS Nguyễn Diệu Thúy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Trung tâm Tiêm chủng VNVC, sẽ chia sẻ, giải đáp cho chị em cách vượt cạn nhẹ nhàng, mẹ nhàn, con khỏe. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để các chuyên gia giải đáp.

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342