Hotline: 039.916.2342

Hồi ký chiến trường của nhà báo Trần Mai Hưởng

Theo Vnexpress |

Nhà báo Trần Mai Hưởng giúp người đọc cảm nhận những năm tháng chiến tranh khốc liệt, qua hồi ký khi là phóng viên chiến trường.

Ông ra mắt Hồi ký phóng viên chiến trường: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình chiều 5/12 ở Hà Nội. Tại sự kiện, nhà báo ký tặng độc giả, vui mừng khi gặp lại những đồng nghiệp đã gắn bó suốt hành trình làm báo.

Nhà báo Trần Mai Hưởng ký tặng sách. Ảnh: Phương Linh

Tác giả ký tặng sách. Ông sinh năm 1952 tại Hải Dương, là nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Phương Linh

468 trang sách là những trải nghiệm của Trần Mai Hưởng khi hoạt động báo chí trong thời chiến và sau khi đất nước thống nhất. Tác phẩm bắt đầu với ký ức của ông năm 13 tuổi, cùng tiếng còi báo động máy bay rền rĩ mọi con ngõ mỗi ngày. Học hết chương trình 10 năm, cậu thiếu niên Trần Mai Hưởng nhận được đề nghị của nhà báo Xuân Trình, khi ấy làm việc ở phòng đào tạo của Thông tấn xã Việt Nam về việc theo học lớp phóng viên của cơ quan. Xuân Trình là bạn thân của nhà báo Trần Mai Hạnh - anh trai Trần Mai Hưởng. Trước khi đi hoạt động trong chiến trường Quảng Đà, Trần Mai Hạnh đã gửi gắm em trai cho bạn, nhờ đơn vị quan tâm nếu em có nguyện vọng làm phóng viên.

Từ đó, Trần Mai Hưởng được đào tạo và theo nghề báo, như sự sắp đặt của số phận. Ở độ tuổi ngoài 20, ông đã tác nghiệp ở nhiều mặt trận, rong ruổi nhiều tỉnh thành để thâm nhập thực tế, tìm hiểu tình hình, trau dồi hiểu biết. Sau này, ông có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, với những bài báo, hình ảnh phản ánh kịp thời, rõ nét về bối cảnh lịch sử thời chiến.

Nhà báo thuộc những phóng viên ở tuyến đầu Quảng Trị trong chiến dịch tổng tiến công năm 1972. Sau đó, ông theo đoàn quân chiến thắng tiến vào Huế, Đà Nẵng. Năm 1975, Trần Mai Hưởng có mặt ở Dinh Độc Lập, kịp thời ghi lại khoảnh khắc lịch sử với bức ảnh thường được sử dụng trong các pano, áp phích cổ động nhân ngày thống nhất đất nước.

Trần Mai Hưởng tiếp tục có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào đây, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Khi Phnom Penh được giải phóng, nhà báo nhanh chóng có tin, bài, ảnh về sự kiện. Sau đó, ông lại lên Hà Giang, Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trong thời bình, ông có nhiều kỷ niệm từ hành trình đầu tiên dọc ngang nước Mỹ để "tìm hiểu kẻ thù trước đây", hay những chuyến đi "phượt" cùng bạn bè thăm lại những vùng đất chiến trường xưa, từ đó ghi nhận sự thay đổi của đất nước

Sách do Nhà xuất bản Thông tấn, Công ty Cổ phần sách Alpha và Công ty Truyền thông Sống phối hợp xuất bản. Ảnh: Phương Linh

Sách do Nhà xuất bản Thông tấn, Công ty Cổ phần sách Alpha và Công ty Truyền thông Sống phối hợp xuất bản. Ảnh: Phương Linh

Hồi tưởng những năm tháng làm phóng viên chiến trường, Trần Mai Hưởng không nhớ đã đi qua bao nhiêu con đường, mặt trận, hoàn thành bao nhiêu bài viết, bức ảnh mà chỉ đau đáu được phụng sự Tổ quốc. Trải qua các dấu mốc lớn của dân tộc, ông chứng kiến nhiều đồng nghiệp đã ngã xuống, với máy ảnh và vũ khí trong tay, cùng những trang tin còn viết dở. Với ông, đó là sự hy sinh vô giá. Nhắc lại hơn 260 đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống khi tác nghiệp trong chiến tranh, nhà báo không ngăn được cảm xúc nghẹn ngào.

Cuốn hồi ký được tác giả tập trung hoàn chỉnh trong sáu tháng năm nay. Trước đó, ông dành nhiều năm tìm kiếm, tổng hợp tư liệu, bổ sung, chỉnh sửa các bài viết. Nhà báo trở lại Quảng Trị, Mèo Vạc, gặp gia đình các liệt sĩ, những đồng nghiệp năm xưa để bồi đắp tư liệu, làm giàu cảm xúc. Tại buổi ra mắt cuốn hồi ký, ông mời hai đại diện của kíp xe tăng mang số hiệu 846 được chụp trong bức ảnh nổi tiếng gồm chiến sĩ lái xe và pháo thủ số hai tham gia giao lưu.

Qua Hồi ký phóng viên chiến trường: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình, Trần Mai Hưởng muốn gửi gắm tâm tư của những người làm báo trong chiến tranh đến thế hệ phóng viên trẻ, nhấn mạnh dù ở thời kỳ nào, nhà báo luôn phải trau dồi tri thức, bản lĩnh, dành tâm huyết phụng sự đất nước, con người. Ngoài ra, tác giả cũng thể hiện lòng biết ơn với cơ quan báo chí đã đào tạo và rèn luyện ông trong nghề.

Sách in kèm phụ lục gồm nhiều bức ảnh tác giả trực tiếp chụp tại các chiến trường nóng bỏng, cùng ảnh của ông trong quá trình tác nghiệp, thăm lại chiến trường xưa. Ông Lê Quốc Trung - nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - cấp trên của nhà báo Mai Hưởng nhận xét ông "là một phóng viên toàn diện, có thể viết bài, chụp ảnh, tác nghiệp nhiều hình thức. Trên hết, ông Hưởng luôn sẵn sàng, cố gắng trong công việc, do đó thường được lãnh đạo cử tham gia các điểm nóng trong dòng thời sự".

Viết lời giới thiệu cho tác phẩm, ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - khẳng định nhà báo Trần Mai Hưởng cùng đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam đã trải qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, trên khắp chiến trường, thể hiện vai trò của những người "chép sử bằng máu mình trong lửa đạn''.

''Với văn phong chất phác, giàu chất thơ, cuốn hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo'', ông Lê Quốc Minh nói. Ông bày tỏ mong muốn các nhà báo đọc ít nhất một lần cuốn hồi ký để hiểu rõ hơn về nghề, nhất là tác nghiệp của phóng viên chiến trường.

Phát biểu tại buổi ra mắt tác phẩm, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận định cuốn sách giúp hiểu hơn về một nhà báo yêu nghề, kính nghiệp, một lãnh đạo tiền bối của cơ quan. "Ông đã dành sự quan tâm, khích lệ, truyền lửa cho thế hệ trẻ để tiếp nối và phát huy truyền thống của cơ quan", bà cho biết.

Phương Linh - Tiên Long

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342