Hotline: 039.916.2342

Huyết khối kéo dài gây tắc tĩnh mạch đùi

Theo Vnexpress |

Hà NộiHuyết khối kéo dài từ dưới gối đến hông khiến đùi trái bà Hoa sưng, đau tức, tắc toàn bộ tĩnh mạch đùi.

Hai ngày trước khi nhập viện, bà Hoa, 52 tuổi, đau chân, khó đi lại. Ngày 22/3, BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Hoa bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới trên nền hội chứng May - Thurner. Hội chứng này xảy ra khi động mạch chậu bên phải (đưa máu đến chân phải) đè lên tĩnh mạch chậu trái (đưa máu từ chân trái tới tim) làm gián đoạn lưu lượng máu ở vùng chân. Nếu không điều trị tích cực, cục máu đông di chuyển có thể gây nhồi máu phổi (thuyên tắc động mạch phổi), nguy hiểm tính mạng.

Bà Hoa được bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết tại chỗ bằng catheter (ống thông) để tiêu cục máu đông. Phương pháp này giúp huyết khối tiêu hoàn toàn, nhanh chóng sau 24-48 tiếng, cải thiện triệu chứng ứ trệ của tuần hoàn tĩnh mạch chi dưới. Bác sĩ thuận lợi đưa dụng cụ đánh giá chính xác kích thước lòng tĩnh mạch, mức độ chèn ép tĩnh mạch chậu.

Ê kíp siêu âm và đặt stent cho bệnh nhân Hoa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ê kíp siêu âm và đặt stent cho bệnh nhân Hoa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ê kíp nong, đặt stent tĩnh mạch chậu trái cho người bệnh qua vết mở nhỏ khoảng 3 mm từ tĩnh mạch khoeo. Sau 30 phút can thiệp, dòng máu tĩnh mạch lưu thông, bảo tồn chức năng van tĩnh mạch. Một ngày sau, bà đi lại bình thường, được xuất viện.

Theo bác sĩ Trang, trước đây, bà Hoa mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới chủ yếu điều trị bằng thuốc chống đông, làm tiêu cục huyết khối. Phương pháp này ít hiệu quả, tỷ lệ tái thông hoàn toàn tĩnh mạch thấp.

Hai tuần sau can thiệp, chị Hoa tái khám với PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Vinh Trương

Hai tuần sau can thiệp, bà Hoa tái khám với PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Vinh Trương

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, can thiệp cho bà Hoa đánh giá phẫu thuật cho người bệnh May-Thurner phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn cho người bệnh. Hiện, hội chứng này được chữa khỏi bằng cách nong bóng và đặt stent tĩnh mạch chậu qua một vết mở nhỏ ở vùng bẹn đùi hoặc khoeo. Người bệnh có thể đi lại vài giờ sau can thiệp, xuất viện cùng ngày.

Theo bác sĩ Trang, can thiệp đặt stent tĩnh mạch đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn, hệ thống thiết bị. Từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đặt stent tĩnh mạch cho hơn 10 bệnh nhân. Kết quả theo dõi cho thấy hiệu quả tốt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện rõ rệt.

Bệnh lý tĩnh mạch, nhất là người bệnh có hội chứng May-Thurner có nguy cơ cao bị huyết khối hoặc suy giãn tĩnh mạch. Nhiều trường hợp có bệnh nhưng không rõ triệu chứng. Chủ động khám và tầm soát bệnh tĩnh mạch là biện pháp phòng tránh tối ưu. Người có triệu chứng sưng, căng tức, cảm giác nặng chân, giãn các tĩnh mạch dưới da nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch khám.

Việt An

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342