Hotline: 039.916.2342

Khám phụ khoa có ảnh hưởng thai nhi?

Theo Vnexpress |

Tôi mang thai 4 tháng, bị ngứa vùng kín, khám phụ khoa có ảnh hưởng thai không? (Diệu Nhi, 22 tuổi, An Giang)

Trả lời:

Tình trạng này cũng thường xảy ra ở phụ nữ mang thai do nội tiết tố trong cơ thể người mẹ tăng giảm đột ngột, hệ thống miễn dịch thay đổi, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Bên cạnh lịch khám thai định kỳ, phụ nữ có dấu hiệu bất thường như ra nhiều khí hư, ngứa vùng kín, tiểu buốt cần đi khám.

Bác sĩ dùng mỏ vịt vô khuẩn đưa vào âm đạo. Một số trường hợp có thể lấy dịch âm đạo xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây bệnh.

Hiện vẫn có nhiều mẹ bầu hiểu sai khám phụ khoa ảnh hưởng thai nhi hoặc tăng nguy cơ viêm nhiễm nên tự ý mua đơn thuốc chữa bệnh hoặc áp dụng bài thuốc dân gian, trên mạng xã hội.

Đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận khoảng 5 trường hợp tự ý chữa bệnh phụ khoa, khiến tình trạng nặng thêm, các thai phụ phải nhập viện theo dõi. May mắn, sức khỏe thai phụ và thai nhi đều ổn định.

Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh tư vấn nguy cơ viêm phụ khoa ở phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa. BVCC

Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh tư vấn nguy cơ viêm phụ khoa ở phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Viêm nhiễm phụ khoa trong khi mang thai không được chẩn đoán điều trị sớm có thể dẫn đến sảy thai, sinh non.

Các bệnh viêm phụ khoa thường do nhiều nhóm nguyên nhân, thường gặp nhất là nấm, vi khuẩn lậu, giang mai, sùi mào gà.... Nếu thai phụ nhiễm nấm không điều trị, thai nhi sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi do nấm. Nhiễm vi khuẩn lậu tác động xấu đến thai nhi như vỡ ối, viêm màng ối... Nếu thai phụ chuyển dạ sinh thường, dịch tiết chứa vi khuẩn có thể xâm nhập vào mắt của trẻ sơ sinh, gây viêm kết mạc mắt, mắt của bé sẽ bị sung huyết, có nhiều mủ vàng, giảm thị lực, dẫn đến mù lòa.

Khám phụ khoa khi có dấu hiệu bất thường ở vùng kín là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Tùy thuộc vào tác nhân gây viêm nhiễm và mức độ bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp, không ảnh hưởng đến thai nhi. Thông thường, thai phụ được kê thuốc bôi hoặc thuốc đặt âm đạo để điều trị viêm phụ khoa.

Thai phụ bị viêm phụ khoa cần kiêng quan hệ vợ chồng, không sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH cao thụt âm đạo, mặc quần lót thoáng; có thể bổ sung thực phẩm cung cấp lợi khuẩn, tăng cường miễn dịch như sữa chua lên men, trái cây giàu vitamin C.

ThS.BS Lê Nhất Nguyên
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342