Hotline: 039.916.2342

'Không dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre chống hạn mặn'

Theo Vnexpress |

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Bến Tre đang được đầu tư nhiều công trình thủy lợi, sẽ có đủ nước ngọt tại chỗ mà không cần dẫn từ sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Thông tin được ông Hiệp chia sẻ với báo chí tại hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, ngày 21/3, khi đề cập kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn, Đồng Nai về Bến Tre chống hạn mặn.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vấn đề dẫn nước ngọt về Tiền Giang, Bến Tre cơ quan này đã nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, việc dẫn nước từ sông Đồng Nai, Sài Gòn về Bến Tre thời điểm này không thực hiện được, từ tình hình thực tế lẫn kỹ thuật.

Thứ trưởng nông nghiệp Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú (Châu Thành) hôm 12/3. Ảnh: Hoàng Nam

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú, huyện Châu Thành, hôm 12/3. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Hiệp lý giải lưu vực sông Đồng Nai dù đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang thiếu 5 tỷ m3 nước mỗi năm. Bộ vẫn đang nghiên cứu, tính toán các giải pháp để dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho khu vực TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Hiện, địa bàn Bến Tre được đầu tư nhiều dự án công trình thủy lợi quy mô. Theo đó, ở phía bắc, Bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3), đến hết năm 2025 sẽ cơ bản xong, các cống lớn như Bến Tre, Thủ Cửu sẽ đi vào hoạt động. Ở nam Bến Tre, Bộ cũng sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để làm cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong.

"Tại Bến Tre đang có đủ các giải pháp để đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, không cần phải chuyển nước từ nơi khác về", ông Hiệp nói.

Người dân tại xã Kiểng Phước, Gò Công Đông, Tền Giang dùng xe xin nước ngọt từ vòi công cộng hôm 20/3. Ảnh: Hoàng Nam

Người dân tại xã Kiểng Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang dùng xe xin nước ngọt từ vòi công cộng hôm 20/3. Ảnh: Hoàng Nam

Cũng theo ông Hiệp, những năm gần đây hạn mặn đến sớm, kéo dài hơn và ngày càng khốc liệt. Tại Đồng bằng sông Cửu Long có hai tỉnh chịu ảnh hưởng hạn mặn nhiều nhất là Bến Tre và Cà Mau. Riêng Cà Mau có đặc thù khác các địa phương khác, ngoài nước mưa tích trữ tại chỗ hiện không có nguồn nước nào khác bổ sung, nên chắc chắn sẽ phải dẫn nước từ nơi khác về.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tính toán chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé qua kênh Chắc Băng (tỉnh Kiên Giang), và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để cung cấp nước ngọt cho khu vực bắc và nam Cà Mau, giai đoạn 2026-2030.

"Nếu dẫn nước về Cà Mau, việc đầu tiên là cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, vì chi phí rất cao, nếu cấy lúa thì không biết bao giờ thu hồi lại được vốn", ông Hiệp nói.

Trước đó, Cà Mau và Bến Tre đã đề xuất Bộ NN&PTNT dẫn nước từ các sông Hậu, Sài Gòn, Đồng Nai về địa phương để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước trong mùa khô.

Hoàng Nam

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342