Hotline: 039.916.2342

Loạt bê bối pháp lý bào mòn quỹ thời gian tranh cử của Trump

Theo Vnexpress |

Lịch hầu tòa dày đặc đúng mùa bầu cử sẽ tác động tiêu cực đến lịch trình vận động của Trump, buộc ông phải tìm chiến lược tranh cử phù hợp hơn.

Ngày 25/3, tòa phúc thẩm New York đồng ý cho cựu tổng thống Donald Trump giảm phí bảo lãnh khoản tiền phạt 464 triệu USD xuống còn 175 triệu USD và yêu cầu ông thực hiện trong vòng 10 ngày.

Đây được coi là một chiến thắng trong nỗ lực ứng phó loạt rắc rối pháp lý đang bủa vây cựu tổng thống. Chỉ một ngày trước đó, ông Trump còn phải đối mặt với nguy cơ phải bán tháo các bất động sản giá trị để có tiền nộp phạt, trong bối cảnh các công ty bảo hiểm đều từ chối bảo lãnh cho khoản phạt quá lớn như vậy.

Nhưng ông Trump cùng ngày lại thất bại trong nỗ lực hoãn xử vụ kiện về cáo buộc chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Thẩm phán tòa tối cao bang New York Juan Merchan bác bỏ lập luận từ luật sư đại diện cựu tổng thống, ấn định bắt đầu xét xử ngày 15/4.

Những diễn biến trên phần nào cho thấy tình thế khó lường của Trump, khi vừa là ứng viên tổng thống vừa là bị cáo. Khoảng thời gian từ nay đến ngày bầu cử tháng 11 được giới quan sát đánh giá sẽ không dễ chịu với cả ông Trump cũng như cử tri Mỹ.

Thay vì tập trung vận động tranh cử, ông Trump giờ cần chuẩn bị để trình diện tòa từ ngày 15/4. Quá trình xét xử kéo dài ít nhất 6 tuần và ông sẽ phải có mặt tại tòa 4 ngày mỗi tuần, trừ các thứ tư.

"Làm sao có thể tranh cử khi phải ngồi tại tòa án Manhattan cả ngày? Tôi lúc này lẽ ra phải ở Nam Carolina. Tôi không nên phải ngồi trong tòa án", ông Trump nói khi chuẩn bị bước vào tòa tối cao New York sáng 25/3.

Cựu tổng thống Donald Trump tại tòa án tối cao bang New York ngày 6/11/2023. Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Donald Trump tại tòa án tối cao bang New York ngày 6/11/2023. Ảnh: Reuters

Ông Trump đang đối mặt 4 vụ truy tố với tổng cộng 91 tội danh. Ngoài New York, cựu tổng thống còn bị cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021, can thiệp bầu cử bang Georgia và giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.

Ứng viên tổng thống Cộng hòa chỉ trích các vụ truy tố này là nỗ lực "can thiệp bầu cử" của chính quyền Tổng thống Joe Biden. "Tôi không hiểu sao lại bắt đầu xét xử ngay giữa mùa bầu cử. Thật không công bằng", ông Trump nói.

Công tố viên hạt Fulton đề xuất bắt đầu xử ông Trump ngày 5/8 trong vụ truy tố ở bang Georgia, còn tòa án liên bang Florida dự định xử vụ giữ trái phép tài liệu mật vào ngày 20/5. Trong khi đó, tòa án liên bang Washington chưa ấn định ngày xử cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử, bởi Tòa án Tối cao Mỹ đang xử lý đơn kháng cáo từ ông Trump liên quan quyền miễn truy tố của tổng thống.

Với chiến dịch của ông Biden, loạt bê bối pháp lý của đối thủ vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nhà Trắng nhìn chung không bình luận, tránh để Trump có lý do để củng cố tuyên bố rằng ông là nạn nhân chính trị, trong khi chiến dịch của ông Biden gần đây tăng cường công kích cựu tổng thống.

"Donald Trump yếu kém và tuyệt vọng, dù là một người đàn ông hay ứng viên tổng thống", James Singer, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Biden, nói ngày 25/3. "Chiến dịch của ông ấy không thể huy động tiền. Ông ấy không quan tâm vận động tranh cử. Và mỗi lần mở miệng, ông ấy càng khiến cử tri trung lập và ngoại ô xa lánh vì chương trình nghị sự nguy hiểm của mình".

Ông Trump tích cực tranh cử hơn ông Biden trong giai đoạn đầu mùa bầu cử năm nay. Tình hình đảo chiều từ Siêu thứ ba 5/3, khi hai ứng viên đều thắng lớn và gần như chắc chắc chắn giành đề cử của đảng.

Kể từ đó đến nay, ông Trump chỉ có hai sự kiện vận động ở Georgia và Ohio. Ông hủy sự kiện ở bang Arizona để dành sự ủng hộ cho ứng viên thượng nghị sĩ Bernie Moreno. Ngoài cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Florida hôm 19/3, ông Trump tuần trước không tham dự cuộc vận động nào. Ông chơi golf và tổ chức các cuộc gặp chính trị tìm cách gây quỹ.

Trong khi đó, chiến dịch vận động của Tổng thống Biden hoạt động bùng nổ hơn. Ông và cấp phó Kamala Harris cùng đến các bang chiến trường quan trọng, tổ chức hơn 10 sự kiện ở Georgia, Wisconsin, Pennsylvania, Arizona, Nevada, Michigan và Texas.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vandalia, Ohio, hôm 16/3. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vandalia, Ohio, hôm 16/3. Ảnh: AFP

Chiến lược gia chính trị Charlie Kolean không bất ngờ khi ông Trump không vận động nhiều từ sau khi hội đủ đại biểu để nhận đề cử đảng Cộng hòa, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử của ông có nguồn lực tài chính hạn chế và cựu tổng thống còn phải xử lý các bê bối pháp lý.

"Tôi nghĩ đây là lựa chọn có chủ ý", Kolean nhận định và không tin Tổng thống Biden có thể giành thêm lợi thế trước ông Trump, khi ứng viên Cộng hòa sẽ tìm cách thích nghi và điều chỉnh chiến lược tranh cử phù hợp hơn với tình hình mới.

"Tôi tin bạn sẽ thấy điều này xảy ra. Đó là ông Trump sẽ kiềm chế, thân thiện hơn khi trả lời phỏng vấn truyền thông. Khi vận động tranh cử, ông ấy sẽ hành động có chiến lược hơn", Kolean nói.

Các nguồn thạo tin cho hay ông Trump hiện dự định chỉ vận động tranh cử vào cuối tuần tại các bang chiến lược gần New York, như Pennsylvania, hoặc đến một số khu vực ủng hộ ứng viên Cộng hòa ngoài Manhattan. Trump sẽ trả lời phỏng vấn phát thanh và truyền hình từ Tháp Trump, nơi ông ở lại trong thời gian xét xử.

Những người ủng hộ, cùng các chuyên gia chính trị cho rằng Trump sẽ tìm cách gây chú ý theo cách khác, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ lịch hầu tòa dày đặc cũng như ngân sách tranh cử eo hẹp hơn.

"Chiến dịch của ông Trump dừng tổ chức những sự kiện lớn để tiết kiệm. Nhưng tên ông Trump vẫn xuất hiện trên trang nhất các báo mỗi ngày. Do đó, ngay cả khi không vận động, độ nhận diện của ông ấy vẫn cao", Dan Eberhart, nhà quyên góp lâu năm của đảng Cộng hòa, nói.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump có 42 triệu USD vào đầu tháng 3 và họ đang cố tích lũy để cạnh tranh với đối thủ, khi ngân sách của phe Dân chủ đã lên tới khoảng 100 triệu USD.

"Việc không xuất hiện nhiều tại các cuộc vận động còn mang lại lợi ích cho Trump, khi ông tránh trở thành tiêu điểm chú ý và không trả lời phỏng vấn báo giới mỗi ngày", Eberhart bổ sung, nhắc đến khả năng cựu tổng thống có thể "lỡ miệng" khiến cử tri trung lập xa lánh ông. "Rõ ràng vị thế cựu tổng thống trong các cuộc thăm dò sẽ không bị ảnh hưởng".

Như Tâm (Theo ABC News, CNN, AP)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342