Hotline: 039.916.2342

Lý do nam chính truyện Kim Dung luôn được mỹ nữ vây quanh

Theo Vnexpress |

Kim Dung từng lý giải vì bản thân là đàn ông nên thường xây dựng các nhân vật nam được nhiều mỹ nhân vây quanh trong tiểu thuyết võ hiệp.

Nửa thế kỷ qua, truyện võ hiệp của tác gia Kim Dung (1924-2018) ảnh hưởng sâu sắc tới làng văn học, phim ảnh Hoa ngữ và một số nước châu Á. Trên các fanpage, khán giả thường tranh luận về võ công, nhan sắc nhân vật nữ hay bản phim nào chuyển thể truyện Kim Dung thành công nhất.

Sinh thời, tại một số talkshow, buổi gặp gỡ độc giả, nhà văn từng giải thích một phần câu hỏi của fan liên quan cuộc đời, sự nghiệp của ông.

Tiểu thuyết gia Kim Dung. Năm nay, nhiều sự kiện được tổ chức ở Trung Quốc dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn (10/3/1024). Ảnh: The Paper

Tiểu thuyết gia Kim Dung. Năm nay, nhiều sự kiện được tổ chức ở Trung Quốc dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn (10/3/1024). Ảnh: The Paper

- Ý nghĩa bút danh Kim Dung là gì?

- Khi bắt đầu sáng tác, tôi cần một bút danh, nhưng nghĩ không ra cái tên nào phù hợp. Nên tôi tách chữ Dung (gồm bộ Kim và chữ Dung) trong tên thật Tra Lương Dung thành Kim Dung. Ngoài ra, không có hàm ý gì đặc biệt trong bút danh cả.

- Vì sao ông sáng tác truyện kiếm hiệp?

- Tôi và nhà văn Lương Vũ Sinh là bạn thân đồng thời là đồng nghiệp ở tờ báo Xin Wanbao. Lương Vũ Sinh thành công khi sáng tác truyện võ hiệp để đăng báo, khi gác bút, ông ấy muốn tôi tiếp tục công việc. Sau đó tôi thành lập tờ báo khác, cần đăng tiểu thuyết dài kỳ để thu hút người đọc. Ban đầu tôi chú trọng việc làm báo, không coi viết truyện là nghề. Tôi thấy xã hội đương thời thiếu tinh thần hiệp nghĩa, muốn đề cao hiệp nghĩa nên chọn thể loại này.

Trong tiểu thuyết của tôi, "võ" chỉ là phần nổi bên ngoài, tinh thần của truyện nằm ở "hiệp". "Hiệp" nghĩa là quên đi lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác, làm việc chính nghĩa. Tinh thần này tồn tại mãi mãi trong đời sống. Chỉ cần con người còn giao tiếp, chung sống với nhau, sự hiệp nghĩa còn tồn tại. Võ công chỉ là một phương thức để thể hiện chất hiệp nghĩa của tiểu thuyết.

Lưu Diệc Phi trong Thần điêu đại hiệp
 
 

Tiểu thuyết Kim Dung nhiều lần được chuyển thể thành phim. Lưu Diệc Phi lưu dấu ấn với vai Tiểu Long Nữ ở "Thần điêu đại hiệp" 2006. Video: Bilibili

- Vừa làm báo vừa viết tiểu thuyết, ông phân chia thời gian thế nào?

- Một ngày tôi viết khoảng 2.000 chữ. 1.000 chữ cho bài xã luận trên báo, 1.000 chữ cho tiểu thuyết. Một bên cần cảm xúc, tưởng tượng bay bổng, một bên cần lý trí, sát thực tế. Buổi tối, khi viết bài thời sự, chúng tôi rất căng thẳng vì thời gian gấp rút, cần hoàn thành bài để kịp in ấn báo giấy buổi sáng. Nhân viên đánh máy đứng bên cạnh chờ tôi, viết được đoạn nào là mang đi đánh máy.

Khi viết tiểu thuyết, bản thân tôi thoải mái và vui vẻ còn viết xã luận là công việc mang lại sự đau khổ.

- Tính cách của ông giống nhân vật nào trong tiểu thuyết kiếm hiệp?

- Trương Vô Kỵ, vì nhân vật này khá dễ tính, không bận tâm điều nhỏ nhặt. Đoàn Dự cũng thế. Chẳng hạn người khác nợ tiền, làm việc có lỗi với họ, đáng lẽ họ có lý do đáp trả nhưng không làm vậy. Họ chọn bỏ qua, tha thứ vì không băn khoăn vì những việc nhỏ nhặt. Như thế, trong lòng cũng được thoải mái hơn. Ít tức giận thì sức khỏe cũng tốt hơn. Tôi hy vọng mình như vậy nhưng có lúc không làm được.

- Vì sao tiểu thuyết của ông, thường có nhiều mỹ nữ theo đuổi nhân vật nam?

- Vì tôi là đàn ông, mong được phụ nữ để mắt. Cũng có thể nói tiểu thuyết phần nào đó thể hiện mơ ước của tôi. Đương nhiên, tôi có thể viết phụ nữ là trung tâm, được nhiều đàn ông theo đuổi. Nhưng việc đó khó hơn, vì khi viết, tôi cần tưởng tượng mình là phụ nữ, rất khó nắm bắt suy nghĩ của họ.

- Nhân vật chính của ông, từ Trần Gia Lạc đến Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo, họ ngày một "nổi loạn", thậm chí Vi Tiểu Bảo không được coi là anh hùng. Có phải sự biến đổi này thể hiện tâm trạng bi quan của ông?

- Không phải tôi bi quan, mà là ngày càng hiểu thêm về tính cách con người. Tuổi càng cao thì càng nghiệm ra những điều mới. Hồi trẻ, tôi sùng bái anh hùng, thậm chí có chút sùng bái mê muội. Sau này tôi mới nhận ra, phía sau mỗi anh hùng đều có mặt tồi tệ nào đó. Họ cũng có những điểm xấu, thậm chí đê tiện.

Các tiểu thuyết đầu của tôi, anh hùng là những người trắng đen rõ ràng, xấu tốt phân minh. Đúng như Lỗ Tấn từng nhận xét: "Tiểu thuyết của Trung Quốc trước đây, người xấu luôn xấu và người tốt luôn tốt, miêu tả tính cách con người quá đơn giản". Thực tế, tính cách con người quá phức tạp.

Chẳng hạn Vi Tiểu Bảo, anh ta khác với tất cả nam chính trong tiểu thuyết võ hiệp. Xã hội hiện đại có những người như Vi Tiểu Bảo, vừa tham ô vừa hối lộ, lại lăng nhăng, lấy nhiều vợ. Đó đều là các hành vi phạm pháp, tôi từng muốn đổi kết cục của Lộc Đỉnh Ký, để Vi Tiểu Bảo bị trừng phạt, nhưng độc giả không thích như thế, cho rằng điều đó không thực tế, bởi nhiều kẻ xấu vẫn thành công.

- Mỗi tiểu thuyết của ông đều có bối cảnh, thời đại cụ thể, vì sao "Tiếu ngạo giang hồ" không được đặt trong thời đại nào?

- Tiếu ngạo giang hồ nói về tranh đấu quyền lực, thời đại nào cũng có, vì thế tôi không đặt truyện vào bối cảnh lịch sử nào. Thời Đường, thời Tống, Minh, Thanh đều có những chuyện cha con, anh em chém giết nhau vì quyền lực. Lệnh Hồ Xung không có ham muốn quyền lực và danh lợi, nhờ vậy ung dung tự tại. Nhưng đặt trong câu chuyện, để được quy ẩn giang hồ, sống tiêu dao, không phải điều đơn giản.

Hậu trường phim hài 'Lộc Đỉnh Ký'
 
 

Châu Tinh Trì (vai Vi Tiểu Bảo) và Lâm Thanh Hà (Long Nhi) trong "Lộc Đỉnh Ký" 2. Video: Golden Harvest

Nghinh Xuân (theo Mingpao, The Paper)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342