Hotline: 039.916.2342

Nam sinh 17 tuổi giành suất đến Mỹ thi giao dịch chứng khoán

Theo Vnexpress |

Thái Toàn giành suất đến Mỹ tham dự một cuộc thi giao dịch chứng khoán ảo, sau khi nâng "tài sản" từ 1 lên 7,5 triệu USD tiền ảo trong một tháng.

Đỗ Thái Toàn, lớp 11 trường Phổ thông Liên cấp Olympia, Hà Nội, hoàn thành vòng giao dịch ảo của cuộc thi Virtual Trading Competition, hôm 29/2.

Đây là cuộc thi giao dịch chứng khoán ảo dành cho học sinh lớp 10-11, do trường Kinh doanh Stevens, thuộc Viện Công nghệ Stevens, Mỹ, tổ chức. Ngôi trường này hiện đứng thứ hai tại bang New Jersey, thuộc top 77 trường kinh doanh tốt nhất nước Mỹ, theo US News and World report.

Kết quả, Toàn đứng thứ 6/800 thí sinh tham dự cuộc thi ở khắp nơi trên thế giới. Nhờ thành tích này, nam sinh nằm trong danh sách 25 thí sinh được tới Mỹ tham gia vòng giao dịch trực tiếp của cuộc thi.

Đỗ Thái Toàn, lớp 11 trường Phổ thông Liên cấp Olympia, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng

Đỗ Thái Toàn, lớp 11 trường Phổ thông Liên cấp Olympia, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng

Cậu học trò sinh năm 2007 nói biết tới khái niệm chứng khoán cách đây vài năm, nhưng dừng ở mức đọc tin tức, không tìm hiểu sâu. Yêu thích lĩnh vực tài chính, kinh tế nên Toàn hay đọc tin liên quan FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ), theo dõi những thay đổi về chính trị, xã hội trên thế giới và ảnh hưởng của nó tới thị trường.

Tháng 12/2023, Toàn biết tới Virtual Trading Competition qua một người bạn. Dù rất thích và biết các cuộc thi quốc tế có lợi cho hồ sơ du học, Toàn vẫn mất hai tuần suy nghĩ vì sợ ảnh hưởng tới việc học. Cuối cùng, cậu đăng ký dự thi chỉ vài ngày trước khi hết hạn.

Ở vòng hồ sơ, thí sinh phải chứng minh khả năng tiếng Anh, thể hiện kiến thức về tài chính, kinh tế thông qua việc tìm cách xử lý các tình huống mà ban tổ chức đặt ra.

Sau đó, hơn 800 thí sinh được chọn vào vòng giao dịch ảo, diễn ra từ ngày 1 tới 29/2. Toàn cho biết luật chơi "rất đơn giản": Với 1 triệu USD tiền ảo được cấp, thông qua các giao dịch chứng khoán, thí sinh cần tìm cách sinh lời số tiền này nhiều nhất có thể. Các em sẽ thao tác trên một hệ thống ảo, nhưng tất cả dữ liệu và sự biến động của các mã cổ phiếu đều lấy từ thị trường thật.

Để ra quyết định, Toàn căn cứ vào chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), đường trung bình động lũy thừa (EMA) và khối lượng giao dịch (Volume) của cổ phiếu. Ngoài ra, nam sinh kết hợp đọc báo, nắm bắt tin tức để dự đoán sự biến động của thị trường.

Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa từ 22h tới 7h sáng hôm sau theo giờ Việt Nam. Do đó, Toàn phải điều chỉnh lịch sinh hoạt cá nhân. Em ưu tiên đảm bảo thời gian học, còn tạm thời gác lại lịch chơi bóng rổ để đầu tư cho cuộc thi. Mỗi tối, Toàn sẽ nghiên cứu thị trường và giao dịch tới 2h sáng, tập trung điều chỉnh các cổ phiếu dễ biến động. Thời gian còn lại, nam sinh cài lệnh cho những cổ phiếu ổn định hơn.

"Trong lúc ngủ, thị trường có thể biến động mà mình không kịp phản ứng nên em sẽ dành khung 2-7h sáng cho các cổ phiếu nền tốt, ổn định để giảm rủi ro mất tiền", Toàn giải thích.

Trong tuần đầu tiên, Toàn lãi 300.000 USD tiền ảo, nhưng sau đó từng bị âm 2 triệu. Nam sinh đánh giá một mã cổ phiếu có chỉ số "rất đẹp", đã bán khống và kỳ vọng giá cổ phiếu này giảm xuống dưới 10 USD. Tuy nhiên, do được mua lại, cổ phiếu này liên tục tăng, có lúc tới 31,5 USD, khiến Toàn mất 800.000 USD.

"Bài học em rút ra là chỉ số đẹp cũng không quyết định tất cả, còn phải căn cứ nhiều yếu tố khác", nam sinh chia sẻ.

Dù vậy, khi kết thúc vòng thi này, số dư tài khoản của Toàn là 7,5 triệu USD, tức tăng 7,5 lần số vốn được cấp.

Toàn trong một trận đấu bóng rổ, cuối năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Toàn (cầm bóng) trong một trận đấu bóng rổ, cuối năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quá trình tham gia cuộc thi, Toàn vận dụng nhiều kiến thức từ môn Kinh tế và Pháp luật, Kinh tế vĩ mô theo chương trình AP được học ở trường. Các môn này giúp nam sinh hiểu thêm về các nền kinh tế, chính sách tiền tệ, cách vận hành của thị trường và những nguyên tắc đầu tư, tiết kiệm, quản lý tài chính...

Em cũng học thêm nhiều kỹ năng mới, chẳng hạn như cách tra cứu, hệ thống và chọn lọc thông tin.

"Điều này đặc biệt hữu ích khi áp dụng vào quá trình học, giúp em tiết kiệm thời gian mà vẫn có đủ thông tin mình cần", Toàn nói.

Cô Ngô Minh Trang, giáo viên môn Kinh tế của Toàn tại trường, cho biết học trò có tư duy tốt, thường tự học môn này bằng cách tài liệu ngoài giáo trình. . Em cũng không ngại hỏi giáo viên về những điều mình thắc mắc. Nhờ vậy, nam sinh tiến bộ nhanh, có những đánh giá về tình huống thị trường sắc bén, có độ sâu.

"Cuộc thi yêu cầu cao về kiến thức với một học sinh lớp 11, nhưng Toàn đã làm tốt. Không chỉ tôi mà nhiều giáo viên cũng bất ngờ về hiểu biết, năng lực phản biện của em", cô Trang chia sẻ.

Toàn và cô Minh Trang tại trường. Ảnh: Thanh Hằng

Toàn và cô Minh Trang tại trường. Ảnh: Thanh Hằng

Theo kế hoạch, 25 thí sinh sẽ tới trường Kinh doanh Stevens ở New Jersey vào giữa tháng 4, tự túc về chi phí đi lại. Ở đây, các em tham gia lớp học về hệ thống thông tin tài chính chuyên nghiệp, những xu hướng mới trong ngành tài chính. Ngoài ra, thí sinh có cơ hội sử dụng hệ thống cung cấp và phân tích dữ liệu tài chính nổi tiếng - Bloomberg Terminal. Cuối cùng là vòng giao dịch chứng khoán trực tiếp.

Toàn nói hài lòng với vị trí thứ 6 và đang cân nhắc việc tới Mỹ. Nam sinh cho biết tháng 4-5 là thời gian cao điểm để em ôn thi chứng chỉ chuẩn hóa SAT, chuẩn bị hồ sơ du học. Em cũng muốn duy trì kết quả học tập trên lớp.

"Dù quyết định thế nào, em đã có một trải nghiệm đáng nhớ, giúp em củng cố dự định sẽ theo ngành Tài chính ở bậc đại học", Toàn nói.

Thanh Hằng

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342