Hotline: 039.916.2342

Người Ấn Độ cầu cứu vì 'bị lừa tham chiến ở Ukraine'

Theo Vnexpress |

Nhóm công dân Ấn Độ đăng video cầu cứu, cho hay sang Nga "du lịch" nhưng bị lừa nhập ngũ và được triển khai ra chiến trường ở Ukraine.

Trong video lan truyền trên mạng xã hội tuần này, 7 người đến từ các bang Punjab và Haryana của Ấn Độ cho biết họ bị môi giới lừa ký hợp đồng với quân đội Nga trong chuyến du lịch đến Nga và Belarus vào cuối năm 2023.

Người ghi hình và đại diện nhóm đọc thông điệp cầu cứu là Harsh, 19 tuổi, đến từ vùng Karnal thuộc bang Haryana. Harsh và các thành viên trong nhóm đều mặc trang phục dã chiến mùa đông, đội mũ len, giống quân phục của binh sĩ Nga.

Truyền thông Ấn Độ cho biết nhóm đến Nga vào ngày 27/12/2023 trong chuyến du lịch đón năm mới, mang theo hộ chiếu với thị thực 90 ngày tại Nga. Tuy nhiên, nhóm sau đó quyết định di chuyển tiếp đến Belarus để tham quan theo lời môi giới.

"Người môi giới đề nghị đưa chúng tôi sang Belarus và chúng tôi không biết rằng mình cần thị thực mới. Khi đến Belarus, người này đòi tiền rồi bỏ chúng tôi ở lại. Cảnh sát bắt và bàn giao chúng tôi lại cho giới chức Nga. Họ bắt chúng tôi ký một số giấy tờ, xong ép chúng tôi tham chiến ở Ukraine", Harsh kể trong video.

Nhóm công dân Ấn Độ đăng video cầu cứu, cho biết họ bị điều động ra chiến trường Ukraine. Ảnh chụp màn hình

Nhóm công dân Ấn Độ đăng video cầu cứu, cho biết họ bị điều động ra chiến trường Ukraine. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, gia đình của Harsh tại bang Haryana nói rằng thanh niên này đã tìm cách ra nước ngoài tìm việc. Harsh nói với gia đình rằng đến Nga sẽ dễ di cư sang nước thứ ba hơn.

"Con trai tôi xuất ngoại vào ngày 23/12/2023 để tìm việc làm rồi bị bắt tại Nga và bị tịch thu hộ chiếu. Harsh kể với chúng tôi rằng những người bắt mình và nhóm bạn là quân nhân Nga. Họ dọa rằng nếu không đi lính, Harsh và các bạn sẽ bị kết án 10 năm tù. Con trai tôi đã bị ép đến thao trường. Tôi muốn chính phủ đưa con tôi về nước an toàn", mẹ của Harsh trả lời NDTV.

Anh trai của Harsh cho biết quân đội Nga đã phát súng cho Harsh rồi ra điều cậu đến Donetsk, song anh không biết nhóm của Harsh đã đến chiến trường hay chưa.

Một người khác xuất hiện trong video cầu cứu được xác minh là Gurpreet Singh. Gia đình thanh niên này cho hay anh bị cưỡng ép nhập ngũ. "Họ buộc em trai tôi ký hợp đồng bằng tiếng Nga ở Belarus, ép em tôi chọn giữa án tù 10 năm hay nhập ngũ", Amrit Singh, anh trai của Gurpreet, kể lại.

Giới chức Ấn Độ chưa bình luận về trường hợp của Gurpreet Singh và Harsh cùng nhóm bạn. Truyền thông và các chính trị gia nước này đã ghi nhận hơn 20 trường hợp công dân nước này cầu cứu vì kẹt lại Nga, bị ép nhập ngũ và điều động đến vùng chiến sự. Hầu hết những trường hợp cầu cứu đều nói rằng họ bị lừa bởi môi giới việc làm.

Những người ký hợp đồng với quân đội Nga chủ yếu xuất thân từ gia đình nghèo khó, lao động phổ thông. Môi giới thường chào mời họ sang Nga làm "người giúp việc" cho quân đội hoặc công ty bảo vệ với mức thù lao hấp dẫn. Người lao động sau đó bị lừa ký hợp đồng bằng tiếng Nga, tịch thu hộ chiếu rồi mới nhận ra mình bị tuyển quân và điều động đến vùng chiến sự theo lệnh huấn luyện.

Ít nhất một trường hợp công dân Ấn Độ làm việc trong quân đội Nga đã thiệt mạng trên chiến trường Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cuối tháng 2 cho hay đã can thiệp với chính quyền Nga để giúp một số công dân được xuất ngũ, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khác cần được xử lý.

"Mọi trường hợp được thông báo với đại sứ quán Ấn Độ ở Moskva và Bộ Ngoại giao đều đã được trao đổi thẳng thắng với giới chức Nga", cơ quan này cho biết, đồng thời khuyến cáo mọi công dân cần cảnh giác và tránh xa vùng xung đột.

Giới chức Nga đến nay chưa bình luận về các trường hợp công dân Ấn Độ tự nhận bị lừa nhập ngũ và điều động ra chiến trường.

Cũng có những trường hợp người lao động Ấn Độ sang Nga làm việc cho quân đội nhưng không gặp rắc rối nào.

Shaikh Mohammed Tahir, 24 tuổi, sống tại bang Gujarat, từ Nga trở về Ấn Độ vào cuối tháng 2, nói mình chỉ làm việc trong xưởng ắc-quy ôtô sau khi đến Nga theo lời môi giới, không bị yêu cầu ra thao trường hay vào vùng chiến sự.

Một người từng làm việc gần biên giới Ukraine cũng khẳng định quân đội Nga minh bạch toàn bộ thông tin từ đầu với mình và gửi trước hợp đồng qua mạng. Anh cho rằng những người bị điều động vào vùng chiến sự có lẽ đã bị môi giới lừa gạt, lợi dụng việc họ không biết tiếng Nga.

Thanh Danh (Theo NDTV, AFP)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342