Hotline: 039.916.2342

Người bệnh nền dễ gặp biến chứng thủy đậu nặng

Theo Vnexpress |

Người mắc bệnh nền có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng như tổn thương phổi, gan khi mắc thủy đậu, do đó cần chủ động phòng ngừa.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ngày 19/3 cho biết ghi nhận hàng chục ca mắc thủy đậu nặng và có bệnh nền trong hơn một tháng qua. Số nhập viện tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số bệnh nhân chưa tiêm phòng thủy đậu trước đó, nhiều người có bệnh nền.

BSNT Đàm Thị Thanh Tâm, khoa Nội tổng hợp, cho biết người mắc bệnh nền thường có chức năng gan, phổi, thận suy yếu, vì vậy hệ miễn dịch kém hơn. Nhiều người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, chống viêm khiến sức đề kháng thêm suy giảm. Do đó, họ có nguy cơ cao bị thủy đậu biến chứng, gây ra các tình trạng như nhiễm trùng da mô mềm, viêm phổi, viêm não, viêm gan, đông máu nội mạch lan tỏa...

Dẫn chứng về tỷ lệ thủy đậu trở nặng trên cơ địa bệnh nền, bác sĩ Tâm trích một số nghiên cứu khoa học. Một đánh giá hồi cứu ở Nam Phi đăng tải trên Sciene Direct năm 2004, khảo sát trong 12 người bệnh HIV/AIDS, cho thấy 58% nhập viện vì thủy đậu phát triển viêm phổi nặng, 43% trong số này đã tử vong.

Nghiên cứu công bố năm 2012 cũng cho thấy, người ghép thận, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có tỷ lệ tử vong là 30% khi mắc thủy đậu. Nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ cũng cho thấy bệnh thủy đậu trên người cấy ghép dễ gây tử vong hoặc dẫn đến các biến chứng như thải ghép đồng loại, viêm gan, viêm tụy, viêm phổi.

Tại Việt Nam, bác sĩ Tâm ghi nhận ca bệnh điển hình là bệnh nhân nữ (34 tuổi, ở quận Long Biên), mắc thủy đậu biến chứng bội nhiễm da, nhập viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ngày 15/3. Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và xạ trị khoảng một năm, đang điều trị lao phổi tháng thứ ba.

Ban đầu, chị có các triệu chứng sốt cao 38,5 độ C, gai lạnh, mệt mỏi, đau rát họng, ăn uống kém, sau đó nổi mụn nước rải rác toàn thân, mụn nhiều ở chân tóc, mặt, vòm họng. Mụn nước hóa mủ đục nhanh, ngứa rát, mệt mỏi nhiều, cảm giác tức ngực, khó thở. Trước đó, chị chưa tiêm vaccine và không rõ lịch sử tiếp xúc người mắc thủy đậu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có hiện tượng giảm tiểu cầu, chỉ số viêm nhiễm trong máu (CRP) và men gan tăng, chưa tổn thương phổi. Chị được điều trị thuốc kháng sinh, kháng virus, bôi thuốc tại chỗ, vệ sinh chăm sóc da, nâng cao thể trạng đồng thời dùng thuốc hỗ trợ tế bào gan để hạn chế nguy cơ viêm gan cấp, suy gan nặng. Nhờ được chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh dần ổn định.

Một trường hợp bội nhiễm da do chăm sóc không đúng cách điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Thanh Ba

Một trường hợp bội nhiễm da do chăm sóc không đúng cách điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Thanh Ba

Tại Yên Bái, Sở Y tế ngày 18/3 cho biết ghi nhận một ca tử vong là nữ, 42 tuổi, bị thủy đậu biến chứng bội nhiễm, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, có bệnh nền phình mạch máu não.

Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2-6 hàng năm, hiện đã vào mùa. Do đó, bác sĩ Tâm khuyến cáo người có bệnh nền tim mạch, tiểu đường, suy thận, lao phổi... cần chủ động phòng thủy đậu. Các biện pháp gồm tránh virus lây qua đường hô hấp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, không tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Trong đó, mọi người chú ý đi khám để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh.

Còn Bộ Y tế ngày 20/3 khuyến cáo các địa phương chủ động phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu. Lý do là cơ quan này đã ghi nhận nhiều ca bệnh truyền nhiễm rải rác trên toàn quốc như sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu; miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng, ẩm ướt, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, vì vậy thuận lợi cho mầm bệnh truyền nhiễm phát triển, làm gia tăng ca bệnh.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine thủy đậu là biện pháp chủ động phòng bệnh, mang lại hiệu quả bảo vệ cao và ngừa được các biến chứng khi mắc. Phác đồ tiêm ngừa gồm hai mũi cho người từ 9 tháng tuổi. Các nghiên cứu cho thấy hai mũi vaccine có giá trị bảo vệ 88-98% khỏi mắc bệnh. Vaccine vẫn có giá trị trong trường hợp vừa tiếp xúc với người nhiễm bệnh không quá 3-5 ngày.

Người lớn tiêm vaccine thủy đậu tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Người lớn tiêm vaccine thủy đậu tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Bác sĩ Chính cũng lưu ý khi mắc thủy đậu, cần thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa, nếu điều trị tại nhà cần cách ly, dùng riêng vật dụng cá nhân với người khác. Một số quan niệm, thói quen dân gian có thể làm bệnh nặng hơn là kiêng gió, kiêng nước khiến vi sinh phát triển nhanh hơn; chích mụn nước cho bệnh mau lành (thực tế làm tăng tình trạng viêm, nhiễm trùng da); tự ý mua thuốc uống và thuốc bôi không đúng liều lượng khiến bệnh nặng hơn.

Nhật Linh

20h, thứ Sáu ngày 22/3, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn chủ đề "Bệnh thủy đậu nguy hiểm như thế nào cho trẻ em, người lớn và vaccine phòng ngừa". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành:

BS.CKI Lê Thị Trúc Phương và BS Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC;

ThS.BSNT Nguyễn Thị Thúy Hậu, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VNVC, BVĐK Tâm Anh và báo điện tử CongTinTuc.vn. Bạn đọc quan tâm, đặt câu hỏi cho chuyên gia tại đây để được giải đáp trực tiếp.

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342