Hotline: 039.916.2342

Người trẻ Trung Quốc mắc kẹt với giờ làm thêm liên miên

Theo Vnexpress |

Ranh giới giữa cuộc sống và công việc biến mất trong sinh hoạt của Jewel Wong khi làm việc tại nhà thời Covid-19, nhưng mọi thứ không tốt lên dù đại dịch đã chấm dứt.

"Tôi không thể phân biệt được đâu là công việc, đâu là cuộc sống, bởi lúc nào tôi cũng làm việc", Wong, nhân viên văn phòng ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, nói.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và mọi người làm việc tại nhà, công ty của Wong tăng cường trao đổi thông tin qua các ứng dụng trực tuyến. Trên WeChat, cô phải tham gia hơn 50 nhóm trao đổi công việc bất kể giờ giấc.

"Tình hình chỉ tồi tệ hơn khi đại dịch kết thúc. Không ai quay về với phương thức làm việc cũ", Wong nói.

Trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng, các đại biểu đã đề xuất tăng cường phương án bảo vệ pháp lý cho những nhân viên đang vật lộn với áp lực làm việc trực tuyến sau giờ hành chính, gọi đây là hình thức "tăng ca vô hình".

Ông Lưu Quốc Toàn, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc, coi hình thức tăng ca không được trả lương này là vấn nạn đã được "bình thường hóa" khi các công ty thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi số.

Ông nhấn mạnh các chủ lao động cần trả thù lao tương xứng cho những nhân viên thường xuyên phải tăng ca trực truyến. "Luôn phải online khiến họ mắc kẹt trong vòng xoáy công việc, ảnh hưởng xấu đến thể chất, tinh thần", ông cảnh báo.

Nhân viên văn phòng làm việc tại Thâm Quyến, Quảng Đông, năm 2015. Ảnh: China Daily

Nhân viên văn phòng làm việc tại Thâm Quyến, Quảng Đông, năm 2015. Ảnh: China Daily

Luật Trung Quốc quy định người lao động được trả gấp đôi thù lao nếu tăng ca vào cuối tuần, gấp ba vào ngày nghỉ lễ. Wong cho biết cô được trả phụ cấp cho một số giờ làm thêm trực tuyến, nhưng số tiền này "không đáng kể".

"Thường xuyên tăng ca mà không được trả thù lao xứng đáng khiến tôi mất niềm hứng khởi, tinh thần làm việc", cô chia sẻ.

Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách Khoa Hong Kong, cho biết luật lao động quy định nhân viên làm 8 tiếng mỗi ngày, song văn hóa làm việc "996" đã trở nên khét tiếng từ nhiều năm nay, đặc biệt ở các công ty công nghệ.

Thuật ngữ này ám chỉ người Trung Quốc làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần.

Theo luật, chủ công ty khi áp dụng bất kỳ hình thức tăng ca nào cũng phải thống nhất với người lao động và công đoàn. Thời gian tăng ca thường không quá một giờ mỗi ngày, nhưng rất nhiều nhân viên phải làm việc 10-12 giờ mỗi ngày, thậm chí dài hơn, trong khi các công ty hiếm khi phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm luật lao động.

"Một số địa phương lo ngại ảnh hưởng năng suất và lợi ích kinh tế đến mức chùn tay trong thực thi luật. Chúng ta cần những thay đổi triệt để, như đưa ra các biện pháp trừng phạt rõ ràng hơn", phó giáo sư Chen nhận định. "Các công đoàn cũng cần chung sức, bởi người lao động luôn ở thế yếu".

Một góc văn phòng làm việc tại một công ty ở Thượng Hải, Trung Quốc, năm 2020. Ảnh: Xinhua

Văn phòng làm việc tại một công ty ở Thượng Hải, Trung Quốc, năm 2020. Ảnh: Xinhua

Addie Cheng, quản lý cấp cao tại một công ty thiết bị y tế ở Quảng Đông, cho biết công ty trả thù lao tăng ca cho nhân viên và cũng đối mặt với áp lực kinh tế lớn do chi phí lao động tăng cao.

Bởi vậy, Cheng cho rằng bất cứ thay đổi nào của luật lao động Trung Quốc cũng cần xem xét tới áp lực với doanh nghiệp. Theo bà, một số công ty đã bắt đầu chuyển nhà máy ra nước ngoài, nơi chi phí lao động rẻ hơn ở Trung Quốc. "Điều này đồng nghĩa lao động Trung Quốc đang mất việc", nữ quản lý này nói.

Bà Cheng thêm rằng việc thế hệ trẻ ngày nay nhận thức rõ hơn về "tiêu chuẩn quyền lao động của phương Tây" là một thách thức với văn hóa làm việc truyền thống của công ty Trung Quốc.

"Các thế hệ lớn tuổi thường có ý thức về sứ mệnh phát triển đất nước, coi hoàn thành công việc là trách nhiệm, kể cả có phải làm thêm giờ không lương. Nhưng người trẻ hiện cho rằng cân bằng công việc và cuộc sống là điều quan trọng hơn", bà nói, cho biết thêm chuyện người trẻ nghỉ việc khi bị yêu cầu tăng ca ở công ty bà không phải hiếm.

Khảo sát lao động trẻ năm 2023 của Yicai cho thấy 31,7% sẽ từ chối tăng ca kể cả khi được trả lương, nhưng 30,6% dựa vào tăng ca như một nguồn thu nhập bổ sung.

Cheryl Jin, kế toán viên, cho hay cô thường làm việc hơn 8 tiếng và chỉ có một ngày nghỉ mỗi tuần trong mùa cao điểm. "Đây là bản chất của công việc. Các công ty Australia cũng vậy", cô nói.

Jin từng được trả phụ cấp tăng ca hoặc nghỉ bù, nhưng sau thời gian kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, chính sách này không còn. "Khi thị trường việc làm trì trệ, mọi người sẽ không từ chối tăng ca, trừ khi có lời mời làm việc tốt hơn", nữ kế toán cho hay.

Đức Trung (Theo ABC News)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342