Hotline: 039.916.2342

Nguyễn Hiến Lê: Viết để học và học để viết

Theo Vnexpress |

Sinh thời, học giả Nguyễn Hiến Lê từ chối những lần được vinh danh, giải thưởng, nói muốn dành đời thanh bạch cho việc "học" và "viết".

Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912, qua đời năm 1984. Sau 40 năm ngày mất, Nguyễn Hiến Lê vẫn luôn được bạn đọc và giới nghiên cứu trong nước nhớ đến như tên tuổi quan trọng của đời sống văn - nghệ thuật trong nước một thời. Ông để lại khoảng 120 tác phẩm từ dịch thuật đến biên soạn, sáng tác, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như văn học, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, triết học, giáo dục, kinh tế, chính trị. Nhiều đầu sách của ông hiện được người đọc đón nhận ở thị trường xuất bản trong nước.

Sinh ra nơi đất Bắc, thành danh ở phương Nam

Ông quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội), trong gia đình vốn dòng dõi Nho học và có truyền thống yêu nước. Bác ruột của Nguyễn Hiến Lê tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và bị thực dân Pháp cưỡng bức lưu trú ở miền Nam. Nguyễn Hiến Lê mồ côi cha khá sớm, năm tám tuổi. Thưở nhỏ, ông học tại Hà Nội, do mẹ ông là người Hà Nội và gia đình có điều kiện cho ông theo học ở trường Yên Phụ, sau đó là học ở trường Bưởi. Năm 1934, Nguyễn Hiến Lê tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội.

Theo sự phân công của chính quyền thời đó, Nguyễn Hiến Lê vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Từ đó về sau, quãng đời của ông gắn bó với mảnh đất phương Nam.

Nguyễn Hiến Lê đến với công việc viết lách khá sớm. Từ năm 1935, ông bắt đầu viết du ký, tiểu luận, dịch thuật các tác phẩm văn chương. Quãng thời gian làm nhân viên ngành Thủy lợi ở Sở Công chánh các tỉnh miền Tây, ông thường xuyên đi thực địa vùng Hậu Giang, Tiền Giang, do vậy, ông có nhiều tác phẩm thể hiện sự hiểu biết về con người, đất đai ở các địa phương Tây Nam bộ.

Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Hiến Lê là một cuốn du ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười ghi chép những điều "mắt thấy tai nghe" trong những lần ông đi khảo sát thực địa. Thời đó, ông Vũ Đình Hòe, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Thanh Nghị đề nghị Nguyễn Hiến Lê viết và gửi ra Hà Nội để in. Nhưng sách viết xong, bản thảo bị mất do đó là thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau 1945, Nguyễn Hiến Lê mới có điều kiện viết lại cuốn sách đầu tay cũng như một số bản thảo bị thất lạc.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 rồi Toàn quốc Kháng chiến, Nguyễn Hiến Lê quyết định bỏ đời sống công chức. Ông tản cư về Long Xuyên và bắt đầu đi dạy học theo lời mời của một người bạn là Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ. Lúc đầu Nguyễn Hiến Lê chỉ nhận làm gia sư nhưng nể lời ông Nguyễn Ngọc Thơ, ông đến dạy ở Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. Dù việc dạy học thời đó mang lại cho ông địa vị xã hội và có cuộc sống khá sung túc, đến năm 1952, Nguyễn Hiến Lê quyết định lên Sài Gòn sinh sống, mở nhà xuất bản, viết và dịch sách, đồng thời còn tham gia viết báo. Từ đó, Nguyễn Hiến Lê thành danh trong giới văn chương miền Nam. Có một số tác phẩm ông để bút danh là Lộc Đình, lấy theo ký ức của tuổi thơ. Theo hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, ông giải thích Lộc chính là ngõ Phất Lộc ở khu vực phố cổ Hà Nội, còn Đình là một cái đình ở gần ngõ đấy.

Cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Ảnh: Nhà xuất bản Hồng Đức

Cuốn "Hồi ký Nguyễn Hiến Lê". Ảnh: Nhà xuất bản Hồng Đức

Sức viết đa dạng và khối lượng tác phẩm phong phú

Nếu một số học giả tên tuổi khác thường chỉ tập trung công sức vào một vài lĩnh vực chuyên môn, đời viết của Nguyễn Hiến Lê trải rộng nhiều lĩnh vực - thành quả từ việc thừa hưởng sự giáo dục pha trộn Nho học và Tây học.

Nguyễn Hiến Lê đề cập đến nhiều chủ đề trong các tác phẩm của ông, từ dịch thuật đến sáng tác, biên soạn. Ông có nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích, được tái bản nhiều lần. Về văn chương, Nguyễn Hiến Lê chủ trương giới thiệu tinh hoa của văn học Trung Quốc cũng như những thành quả của văn chương Việt Nam. Vì vậy, ông đã biên soạn những tác phẩm như Luyện văn gồm ba tập (1953), Hương sắc trong vườn văn gồm hai tập (1962), Đại cương văn học sử Trung Quốc gồm 3 tập (1954-1966), Tô Đông Pha (1970), giới thiệu được những tinh hoa của văn học Trung Quốc cũng như nghệ thuật văn chương Việt Nam.

Nguyễn Hiến Lê cũng thử sức trong việc dịch một số tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới như Kiếp người của Somerset Maugham (1962), Chiến tranh và hòa bình gồm bốn tập của Lev Tolstoy (1968), Cầu trên sông Drina của Ivo Andric (1972), Một mùa hè vắng bóng chim của Han Suyin (1990). Ngoài ra ông còn dịch nhiều cổ văn Trung Quốc.

Ông cũng viết một số tác phẩm mang tính khảo cứu về văn hóa, văn nghệ như Nghề viết văn (1956), Vấn đề xây dựng văn hóa (1967), Con đường hòa bình, (1971) Mười câu chuyện văn chương (1975). Những tác phẩm này không chỉ đơn thuần là khảo cứu hay biên soạn, mà qua đó còn thể hiện quan điểm của ông về văn hóa với mục đích xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ tiến bộ. Đồng thời, ông thể hiện tình yêu dành cho tiếng Việt qua một số sách khảo cứu như Để hiểu văn phạm (1952), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (1963.

Trong lĩnh vực giáo dục, tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê có thể chia thành nhiều chủ đề. Ông giới thiệu một loạt những tấm gương danh nhân để làm bài học thiết thực cho nhiều tầng lớp. Có thể kể đến: Gương hy sinh (1962), Gương kiên nhẫn (1964), Gương chiến đấu (1966), Ý chí sắt đá (1971), Những cuộc đời ngoại hạng (1970), Einstein (1971).

Cuốn Đắc nhân tâm xuất bản năm 1968. Ảnh: NXB Nguyễn Hiến Lê

Cuốn "Đắc nhân tâm" xuất bản năm 1968, một bản sách dịch nổi tiếng của Nguyễn Hiến Lê. Ảnh: NXB Nguyễn Hiến Lê

Khối lượng tác phẩm đồ sộ của Nguyễn Hiến Lê là những đóng góp hết sức quý báu cho nền học thuật Việt Nam thế kỷ 20. Nếu tính từ đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 đến ngày ông qua đời, trung bình mỗi năm ông hoàn thành bốn bộ sách với khoảng 900 trang bản thảo. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê được tái bản nhiều lần, đến nay vẫn còn được tiếp tục tái bản.

Một nhân cách lớn

Nguyễn Hiến Lê không chỉ được nhớ đến với sức làm việc đáng nể mà còn là một tác giả để lại ấn tượng đẹp và sự tôn trọng của nhiều thế hệ độc giả. Trước năm 1975, tại miền Nam, Nguyễn Hiến Lê được giới văn nghệ sĩ, học sinh sinh viên quý mến, kính nể không chỉ vì kiến thức học thuật mà còn vì sự khiêm tốn, mực thước, lao động vì niềm vui chữ nghĩa.

Ông không chú trọng chuyện làm giàu vì sách, dù có nhà xuất bản riêng mang tên chính ông. Thập niên 60 của thế kỷ trước, ông có khoảng 50 đầu sách, nhưng chỉ tự xuất bản khoảng bốn cuốn, dù sách của ông bán rất chạy, tái bản nhiều lần và mang lại nhiều lợi nhuận. Ông đưa nhiều tác phẩm cho các nhà xuất bản một thời như Cảo Thơm, Khai Trí, Tao Đàn, Ca Dao, Trí Đăng in để còn dành thời gian cho việc viết lách.

Trước 1975, Nguyễn Hiến Lê từng từ chối Giải thưởng Văn chương do chính quyền Sài Gòn trao cho ông và Giản Chi cho bộ Đại cương triết học Trung Quốc. Năm 1973, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa chế độ Sài Gòn trao tặng ông Giải Tuyên dương Sự nghiệp Văn chương - Học thuật - Mỹ thuật có trị giá một triệu đồng (tương đương 25 lượng vàng thời đó). Nhưng Nguyễn Hiến Lê từ chối. với lý do "nên dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh".

Nguyễn Hiến Lê thoái thác không tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc của chính quyền Sài Gòn, từ chối nhiều lời mời họp mặt, tôn vinh vì cho rằng không cần thiết. Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, ông viết rõ: "Tôi tri túc theo đạo Nho, cuộc sống như vầy là đủ quá rồi, không cần hơn". "Tri túc" là biết đủ, cũng là phương châm sống cả đời của ông. Trong cuốn Tương lai trong tay ta, ông viết: "Đời tôi chỉ muốn làm thư sinh, không muốn làm nhà kinh doanh hay chính khách".

Năm 1980, ông quay về thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang sống những ngày cuối đời. Tại đây ông bắt tay vào viết tác phẩm Hồi ký Nguyễn Hiến Lê đến tháng 9 năm 1980 thì hoàn thành. Nguyễn Hiến Lê còn kịp viết thêm tác phẩm Đời viết văn của tôi được sửa chữa nhiều lần và hoàn chỉnh vào năm 1983.

Trong Lời mở đầu của tác phẩm Đời viết văn của tôi, ông viết: "Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ học và viết. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi viết để học và học để viết".

Theo lời kể của bà Võ Thị Kim Liên - con nuôi của Nguyễn Hiến Lê, vốn là cháu ruột của vợ ông, bà Nguyễn Thị Liệp, những năm cuối đời, ông vẫn giữ kỷ luật viết lách. Mỗi sáng, ông ngồi vào bàn làm việc rất tập trung, ăn mặc nghiêm chỉnh như công chức. Trưa, ông dừng công việc để ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách báo đến 18h thì ăn tối. Bạn bè, con cháu đến thăm, ông đều tiếp đón vui vẻ, niềm nở, nhưng chỉ giới hạn thời gian nhất định rồi đều mời về để ông còn làm việc.

Ở tuổi 72, Nguyễn Hiến Lê mất khi đang đi điều trị bệnh ở TPHCM. Từ điển văn học bộ mới xuất bản năm 2004 trong mục từ "Nguyễn Hiến Lê" đánh giá ông như sau: "Trên nhiều lĩnh vực, tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê là một đóng góp không nhỏ vào đời sống văn hóa, học thuật của miền Nam trong nhiều thập kỷ" (trang 1.144).

Thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo, sinh sống ở Pháp, khi đọc những bài báo của Nguyễn Hiến Lê đăng trên tạp chí Tin Văn bàn về văn hóa, văn nghệ, giáo dục đã khen tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê là "tiếng nói của lương thức".

Hà Thanh Vân

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342