Hotline: 039.916.2342

Nguyên nhân gây loãng xương ở phụ nữ

Theo Vnexpress |

Loãng xương ở phụ nữ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân có thể phòng tránh được như hạn chế uống rượu, hút thuốc lá.

Loãng xương, có nghĩa là "xương xốp", là một tình trạng làm suy yếu xương. Đây là bệnh xương phổ biến nhất và có thể xảy ra như một phần của quá trình lão hóa tự nhiên.

Bên trong xương lành có cấu trúc tương tự như tổ ong. Nếu nhìn dưới kính hiển vi sẽ thấy những lỗ nhỏ trên khắp xương. Khi một người bị loãng xương, những lỗ này trở nên lớn hơn nhiều và kết quả là xương trở nên nhỏ hơn. Điều này làm cho xương kém đặc và yếu hơn, dẫn tới dễ gãy hơn.

Loãng xương gồm hai loại nguyên phát hoặc thứ phát. Loãng xương nguyên phát là dạng phổ biến nhất và có liên quan đến lão hóa, trong khi loãng xương thứ phát do nguyên nhân khác.

Phụ nữ càng lớn tuổi nguy cơ loãng xương càng cao. Ảnh: Xframe

Phụ nữ càng lớn tuổi nguy cơ loãng xương càng cao. Ảnh: Xframe

Ai cũng có thể bị loãng xương, nhưng phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ loãng xương cao nhất. Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ bị bệnh loãng xương cao gấp 4 lần so với nam giới. Theo thống kê, có khoảng 10 triệu người Mỹ bị loãng xương, với 80% trong số đó là phụ nữ. Một nửa số phụ nữ trên 50 tuổi có khả năng bị gãy xương do loãng xương, vì khi đến tuổi mãn kinh, sự suy giảm hormone estrogen làm giảm mật độ xương. Nguy cơ loãng xương càng tăng lên khi phụ nữ già đi.

Phụ nữ bị loãng xương nhiều hơn đàn ông vì có xương nhỏ và mỏng hơn. Ngoài ra, các yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương ở phụ nữ.

Suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm, hay suy buồng trứng nguyên phát, xảy ra khi buồng trứng của phụ nữ ngừng hoạt động bình thường trước tuổi 40. Khi đó, hormone estrogen không được sản xuất đủ và trứng không được phóng thích thường xuyên từ buồng trứng. Tình trạng này thường dẫn đến vô sinh.

Estrogen bảo vệ sức khỏe của xương, đó là lý do tại sao không có đủ hormone này có thể gây loãng xương.

Chỉ số khối cơ thể thấp

Thiếu cân có thể dẫn đến bệnh loãng xương. Đó là do chế độ ăn giảm calo ảnh hưởng đến một số hormone trong cơ thể có vai trò đối với sức khỏe của xương.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Vitamin D và canxi đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe của xương. Nếu một người không có đủ một trong hai vi chất này, họ có nhiều nguy cơ bị loãng xương hơn. Phụ nữ thường có lượng vitamin D và canxi thấp hơn nam giới, làm tăng nguy cơ loãng xương.

Phụ nữ nên trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung vitamin D vì một số người cần nhiều hơn 800 IU vitamin D mỗi ngày để giữ cho xương khỏe mạnh.

Bệnh tự miễn

Các bệnh tự miễn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các bệnh tự miễn có thể dẫn đến loãng xương ở nữ giới bao gồm viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống và đa xơ cứng.

"Tam chứng" ở vận động viên nữ

Rối loạn ăn uống, mất kinh và loãng xương là những bệnh hay gặp ở vận động viên nữ, y học gọi là tam chứng. Vận động thân thể giúp xây dựng hệ xương lành mạnh và khỏe, nhưng nếu vận động quá nhiều, nồng độ estrogen bình thường sẽ giảm và lâu dài dẫn đến loãng xương. Vì vậy, các nữ vận động viên, nhất là với tuổi dậy thì, cần có sự cân đối về vận động, cân nặng, lượng canxi, vitamin D và nồng độ estrogen để có hệ xương khỏe mạnh.

Tình trạng loãng xương cũng thường gặp ở vận động viên nữ do vận động quá mức. Ảnh: Xframe

Tình trạng loãng xương cũng thường gặp ở vận động viên nữ do vận động quá mức. Ảnh: Xframe

Hút thuốc và uống rượu

Uống quá nhiều rượu hoặc hút thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Hút thuốc có thể cản trở việc sản xuất hormone, dẫn đến những thay đổi về sức khỏe của xương. Uống quá nhiều rượu đã được chứng minh là làm giảm mật độ xương.

Thời kỳ mãn kinh

Trong thời kỳ mãn kinh, lượng hormone estrogen trong cơ thể giảm xuống. Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hệ sinh sản hoạt động khỏe mạnh. Sự giảm estrogen cũng dẫn đến gia tăng các tế bào phá hủy xương. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

Sử dụng thuốc dài hạn

Theo thời gian, một số loại thuốc có thể dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương. Chúng bao gồm corticosteroid, thuốc làm loãng máu, thuốc chống động kinh, thuốc hóa trị và thuốc ngăn chặn estrogen.

Phẫu thuật

Cắt tử cung hoặc cắt buồng trứng đều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ.

Loãng xương thường được coi là một căn bệnh thầm lặng vì phần lớn những người mắc bệnh sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bị gãy xương. Các triệu chứng nếu có thường bao gồm: giảm chiều cao từ một inch (2,54 cm) trở lên, khi thay đổi tư thế phải cúi hoặc khom lưng về phía trước, đau thắt lưng...

Phụ nữ có thể thực hiện một số biện pháp để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ loãng xương, như tránh hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu.

Anh Ngọc (Theo Very well health)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342