Hotline: 039.916.2342

Những quyết định xoay chuyển cục diện chiến trường Điện Biên Phủ

Theo Vnexpress |

Khi trận đã dàn quân, đạn lên nòng, thời điểm khai hỏa đã định, đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển hướng đánh nhanh sang đánh chắc.

Ngày 27/3, tại Hà Nội, các tướng lĩnh, nhà khoa học quân sự quốc phòng đã tham gia hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại. Trong hơn ba tiếng, các đại biểu nêu bật nghệ thuật quân sự cũng như những quyết định lịch sử xoay chuyển cục diện chiến trường 70 năm trước.

Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, đánh giá tấn công Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 9 tiểu đoàn, lúc cao nhất lên 16.200 quân - là quyết định mang tính lịch sử. Việt Nam từ chủ trương "chọn sơ hở mà đánh" đã hướng tới trận quyết chiến chiến lược với Pháp để kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 3.000 ngày.

Giới chuyên gia quân sự thế giới thời điểm đó không tin rằng Việt Nam hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm này. Quyết tâm đánh, Trung ương ngoài nhìn nhận chỗ mạnh của Pháp, khó khăn của mình, còn phân tích thấu đáo trên mọi phương diện.

Đại tá Nguyễn Văn Trường phát biểu tham luận tại hội thảo ngày 27/3. Ảnh: Ngọc Thành

Đại tá Nguyễn Văn Trường phát biểu tham luận tại hội thảo ngày 27/3. Ảnh: Ngọc Thành

Trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích Việt Nam đã nhìn thấy hai nhược điểm lớn của "con nhím Điện Biên Phủ", là tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm. Hệ thống này có kết cấu chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Quân đông nhưng khi một cứ điểm bị đánh thì lực lượng đối phó chủ yếu vẫn là chính nó cùng sự yểm hộ xung quanh. Nhược điểm này cho phép bộ đội Việt Nam tiêu diệt từng cứ điểm, tùy thời điểm lựa chọn.

"Con nhím" nằm cô lập giữa núi rừng đã được giải phóng, xa hậu phương, nhất là căn cứ không quân. Mọi tiếp tế đều phụ thuộc vào hàng không. Nếu bộ đội Việt Nam cắt đứt, nó lập tức mất sức chiến đấu.

"Sai lầm cơ bản của Navarre (Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương) là với cách nhìn của một nhà quân sự tư sản, y không thể thấy hết được những khả năng lớn lao của một quân đội nhân dân và của cả nhân dân một nước đang chiến đấu vì độc lập, tự do...", đại tướng nêu trong hồi ký. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh trận dài ngày rất khó. Nhưng Việt Nam có một hậu phương sẵn sàng làm tất cả vì tiền tuyến.

Báo cáo trình Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, Tổng Quân ủy từ những tính toán trên đã khẳng định "Điện Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay... Sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp. Nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ rất lớn".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự họp bàn về chiến dịch. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự họp bàn về chiến dịch. Ảnh tư liệu

Chuyển đánh nhanh sang đánh chắc

Thời điểm mở màn trận tổng giao chiến cuối cùng với quân Pháp ban đầu được ấn định ngày 20/1/1954, với phương châm đánh nhanh trong ba ngày hai đêm, nhưng đã lùi lại tới 13/3/1954. Việt Nam quyết chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Chiến dịch đã kéo dài 56 ngày đêm.

Thiếu tướng Trần Minh Tuấn, Viện phó Viện Chiến lược quốc phòng, đánh giá thay đổi phương châm tác chiến quyết định trực tiếp đến thắng lợi trên chiến trường. Bộ chỉ huy chiến dịch thời điểm ấy hẳn đã cân nhắc kỹ và "rất khó khăn mới đưa ra quyết định".

Bởi nếu giữ cách đánh nhanh, bộ đội sẽ gặp trở ngại khi chưa quen hiệp đồng binh chủng bộ binh - pháo binh quy mô lớn; chỉ quen đánh đêm nơi dễ ẩn nấp mà chưa thạo tiến công tiêu diệt quân địch ban ngày, ở nơi bằng phẳng. Bởi vậy chuyển phương châm là cách giữ gìn lực lượng để đã đánh là phải chắc thắng trong trận quyết chiến cuối cùng.

Những quyết định táo bạo trong trận công kiên cuối cùng ở Điện Biên Phủ

Thiếu tướng Trần Minh Tuấn nói về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 27/3. Ảnh: Ngọc Thành

Chung quan điểm, PGS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng lựa chọn người chỉ huy cao nhất chiến dịch đã trực tiếp dẫn tới quyết định lịch sử này. Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tin cậy đặc biệt đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã "trao cho chú toàn quyền quyết định".

Lòng tin cao độ giúp đại tướng 43 tuổi khi ấy đủ tự tin lẫn thẩm quyền đưa ra quyết định được cho là "khó khăn nhất đời cầm quân" của ông, chuyển đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc khi cả mặt trận đã dàn quân, đạn đã lên nòng.

"Lịch sử đã chứng minh quyết định đó hoàn toàn đúng", bà nói, dẫn lời nhà sử học Pháp George Boudarel từng viết trên tờ Người quan sát mới, đại ý tướng Giáp đã dám thế chấp sinh mạng chính trị của mình cho trận đánh, vì nếu thua thì ông sẽ mất hết, dù ông còn sống thì đó cũng chỉ là sự tồn tại. Phải có một bản lĩnh lớn, ông mới thuyết phục được các cố vấn Trung Quốc từ bỏ ý định đánh nhanh, thắng nhanh với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài, nở hoa trong lòng địch và làm cho mọi người chấp thuận cách đánh của ông - cách đánh của Việt Nam là bao vây, đánh lấn, đánh chắc, tiến chắc theo kiều bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt. Tướng Giáp đã bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ, không cho nó xổng chuồng.

Vây lấn bằng hầm hào, cắt đứt cầu hàng không

Khi xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ, Pháp muốn bảo vệ Thượng Lào, hút bộ đội chủ lực Việt Nam về lòng chảo Điện Biên để tiêu diệt. Nhưng theo thiếu tướng Trần Minh Tuấn, Việt Nam mới là phía tạo lập và chuyển hóa thế trận, dẫn dụ được Pháp về Điện Biên Phủ - nơi công kiên cuối cùng của cả hai phía, điều mà ban đầu không nằm trong kế hoạch của tướng Navarre.

Chuyển sang "đánh chắc" khiến thế trận cũng chuyển hóa theo. Lần đầu trong chiến dịch, bộ đội sáng tạo cách đánh vây - lấn - tấn - phá - tìm - diệt bằng hệ thống hầm hào dài hàng trăm km bao vây, thít chặt dần cứ điểm lẫn Sở chỉ huy quân Pháp. Cách đánh này, theo tướng Tuấn, về sau nhiều lần được phát huy trong kháng chiến chống Mỹ và còn nguyên giá trị cho ngày nay.

"Trận Điện Biên Phủ đánh dấu bước nhảy vọt về chất của bộ đội khi vận dụng nhiều chiến thuật mới", ông nói, nêu rõ bộ đội Việt Nam từ chỗ tiêu diệt nhiều nhất một tiểu đoàn địch đã đánh sập cứ điểm nhiều thứ quân tinh nhuệ được yểm trợ hỏa lực hạng nặng.

Quân Pháp thả dù xuống Điện Biên. Ảnh tư liệu

Quân Pháp thả dù xuống Điện Biên. Ảnh tư liệu

Khi xây dựng cứ điểm, Pháp huy động 80% máy bay ở Đông Dương cho chiến trường, trong khi Việt Nam chưa có không quân ngăn chặn. Lực lượng phòng không gồm một trung đoàn pháo cao xạ 37 mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy 12,7 mm không thể triển khai thế đối đầu.

Chưa đủ sức không chiến, quân dân Việt Nam chuyển sang bao vây cắt đứt cầu hàng không tại điểm xuất phát lẫn trên chiến trường. Bộ đội tập kích các sân bay Gia Lâm, Cát Bi... làm suy giảm khả năng tiếp vận cho chiến trường của Pháp. Pháo binh cấp tập khống chế sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm không cho máy bay hạ cánh, buộc phải thả dù tiếp vận trên không. Và một phần hàng hóa tiếp viện ấy rơi về phía chiến hào Việt Nam.

Thiếu tướng Bùi Đức Hiền, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, đánh giá việc cắt cầu hàng không, chặn đường tiếp viện trực tiếp đánh vào "dạ dày" của quân Pháp, là nghệ thuật quân sự độc đáo, hiệu quả. Kinh nghiệm này đặt nền móng cho lực lượng phòng không trong kháng chiến chống Mỹ và giúp không quân có nhiều bài học trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

"Một trong những bài học là phải luôn chủ động xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc ngay từ thời bình, có khả năng chuyển hóa linh hoạt trong mọi tình huống", ông nói.

Hoàng Phương

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342