Hotline: 039.916.2342

Tăng áp phổi trở nặng khiến người phụ nữ ngất xỉu

Theo Vnexpress |

TP HCMChị Phượng, 37 tuổi, tăng áp phổi năm 20 tuổi, kèm dị tật còn ống động mạch nhỏ, lần này bệnh trở nặng, suy tim, ngất xỉu 4-5 lần.

4 tháng trước đó chị Phượng thường xuyên chóng mặt, khó thở, ho nhiều. Các triệu chứng tăng dần dù chị dùng thuốc theo toa đều đặn.

Ngày 5/3, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Phượng bị tăng áp phổi kèm dị tật còn ống động mạch nhỏ.

Bệnh tăng áp phổi xảy ra khi tăng sinh thành mạch máu phổi làm lòng mạch máu bị thu hẹp, gây tắc nghẽn, giảm lưu lượng máu qua phổi. Áp lực trong động mạch phổi tăng lên, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến phổi. Tình trạng này kéo dài khiến cơ tim thất phải dày, giãn, co bóp yếu dần.

Với bệnh này, phác đồ chính là điều trị nội khoa giãn mạch phổi. Chị Phượng dùng thuốc gần 20 năm. Theo bác sĩ Thủy, triệu chứng diễn tiến nghiêm trọng, suy tim tăng cho thấy bệnh nhân không còn đáp ứng với điều trị nội khoa. Lúc này giải pháp là thông tim phá vách liên nhĩ hoặc phẫu thuật tạo luồng thông giữa động mạch chủ và động mạch phổi nhằm giảm triệu chứng, chờ ghép phổi.

BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cấu trúc mạch máu nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi nhỏ dần và bít hẳn sau khi trẻ sinh ra. Trường hợp chị Phượng còn ống động mạch, kích thước rất nhỏ dưới 1 mm. Bác sĩ chọn đặt stent ống động mạch vì phương pháp này ít xâm lấn, không cần đặt nội khí quản, giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.

Ê kíp luồn ống thông từ động mạch đùi đến tim để đưa dây dẫn qua ống động mạch, sau đó đặt stent tạo luồng thông nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Nhờ vậy, khi áp lực phổi tăng cao, máu chảy từ động mạch phổi qua động mạch chủ giúp tăng cung lượng tim, giảm triệu chứng suy tim.

Sau can thiệp, chị Phượng tiếp tục được theo dõi sát, truyền máu (để giữ hồng cầu ở mức bình thường), điều trị giãn mạch phổi và suy tim tích cực, xuất viện 6 ngày sau đó. Siêu âm tim sau một tuần thấy stent hoạt động tốt, triệu chứng lâm sàng cải thiện.

Bác sĩ Phúc (ngoài cùng bên trái) cùng ê kíp đặt stent còn ống động mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Phúc (ngoài cùng bên trái) cùng ê kíp đặt stent còn ống động mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Tăng áp phổi được chia thành 5 nhóm, tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh gồm tăng áp động mạch phổi (PAH, nhóm 1), tăng áp phổi do bệnh tim bên trái (nhóm 2), tăng áp phổi do bệnh phổi hoặc thiếu oxy (nhóm 3), tăng áp phổi do huyết khối tắc nghẽn mạn tính trong phổi (CTEPH, nhóm 4), tăng áp phổi do rối loạn khác (nhóm 5).

Nếu không điều trị, tiên lượng bệnh nhân tăng áp phổi nhóm 1 rất kém. Nghiên cứu đánh giá quản lý tăng áp động mạch phổi sớm và dài hạn tại Mỹ cho thấy tính từ thời điểm phát hiện bệnh, tỷ lệ sống sau một năm ở bệnh nhân mắc PAH nhóm 1 là 85%, sau ba năm là 68%, sau 5 năm là 57%, tỷ lệ sống sau 5 năm là 57% và 7 năm là 49%. Những năm gần, tỷ lệ này được cải thiện hoặc tuổi thọ đã được nâng cao nhờ các phương tiện chẩn đoán mới, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị hiệu quả hơn.

Bác sĩ Thủy cho biết tất cả nhóm tuổi đều có thể bị bệnh. Trường hợp tăng áp phổi nguyên phát (tăng áp phổi vô căn) như chị Phượng rất ít gặp, khoảng 5-15/1.000.000 người. Tăng áp phổi nguyên phát thường diễn tiến theo thời gian, nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy tim, tử vong.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342