Hotline: 039.916.2342

Trẻ hết táo bón nhờ dinh dưỡng khoa học

Theo Vnexpress |

Đa số trường hợp trẻ táo bón là do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt chưa hợp lý, việc ăn vừa đủ chất xơ, uống đủ nước, đi ngoài đều đặn giúp cải thiện tình trạng này.

Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, táo bón ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến, chiếm khoảng 3-5% số ca trẻ em đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa. Trong đó, táo bón đặc biệt dễ gặp ở trẻ 2-6 tuổi.

Táo bón là tình trạng phổ biến ở trẻ em cần được điều trị đúng cách. Ảnh: Shutterstock

Táo bón là tình trạng phổ biến ở trẻ em cần được điều trị đúng cách. Ảnh: Shutterstock

PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương cho biết, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh, hỗ trợ điều trị trẻ táo bón. Tùy độ tuổi của trẻ mà phụ huynh có thể tham khảo xử lý, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho con như sau:

Đối với trẻ đang bú mẹ: phụ huynh cần đánh giá trẻ đã được uống đủ lượng sữa mỗi ngày hay chưa. Sau đó điều chỉnh lại chế độ ăn của mẹ, hạn chế những thực phẩm không tốt như các chất kích thích, đồ cay nóng. Người mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là chất xơ từ rau củ quả, uống đủ nước mỗi ngày để giải quyết tình trạng táo bón.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: trẻ bắt đầu ăn dặm càng có nguy cơ bị táo bón cao hơn so với những độ tuổi khác, do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt chưa kịp thích ứng với chế độ ăn mới. Cha mẹ nên chọn thức ăn mềm, dễ nhai sau đó điều chỉnh độ đặc của thức ăn theo sự phát triển của trẻ, hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm quá đặc cứng, khó tiêu hóa.

Người lớn nên cho trẻ ăn các chất xơ hòa tan có nhiều trong hoa quả để giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng. Trẻ lớn tuổi hơn không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt, đồ uống chứa caffeine, thay bằng các loại nước ép sinh tố. Một số thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ trẻ táo bón nên tránh như thịt đỏ, thực phẩm giàu chất đạm, đồ chiên, đồ nướng...

Nếu trẻ đang dùng sữa công thức, phụ huynh cần pha sữa đúng tỷ lệ theo hướng dẫn được nhà sản xuất in trên hộp sữa, đồng thời tư vấn chuyên gia để lựa chọn loại sữa dễ tiêu hóa, phù hợp với trẻ. Trẻ cũng cần uống đủ nước mỗi ngày, vận động thường xuyên.

Ngoài ra, cần tạo cho trẻ thói quen đi tiêu vào một giờ nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy. Thói quen đi vệ sinh đều đặn sẽ giúp cơ thể trẻ tạo phản xạ có điều kiện, kích thích trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.

PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương cho biết thêm, những gì trẻ ăn vào đều có tác động trực tiếp tới hệ tiêu hóa của trẻ. Nếu thức ăn lành mạnh, cân bằng... sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động dễ dàng. Ngược lại, nếu thức ăn khó tiêu, thiếu cân bằng sẽ gây gánh nặng cho đường ruột, khiến trẻ dễ mắc các chứng bệnh tiêu hóa, trong đó có táo bón. Phụ huynh cần cho trẻ đi khám để được chuyên gia tư vấn cụ thể khi cần.

Dùng sữa công thức không phù hợp có thể khiến trẻ bị táo bón. Ảnh: Ảnh: Shutterstock

Dùng sữa công thức không phù hợp có thể khiến trẻ bị táo bón. Ảnh: Ảnh: Shutterstock

Táo bón kéo dài có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của trẻ. Táo bón làm suy yếu hệ tiêu hóa, khiến trẻ hấp thu dinh dưỡng kém, chậm tăng cân, miễn dịch yếu, từ đó dễ ốm vặt, chậm phát triển vận động và nhận thức.

"Táo bón còn ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Trục não - ruột có mối quan hệ mật thiết và được ví như bộ não thứ hai của con người. Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì trí não mới hoạt động tốt và ngược lại", PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương cho biết.

Nhận biết trẻ bị táo bón

Theo PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương, trẻ nhỏ ở mỗi độ tuổi khác nhau có số lần đi vệ sinh khác nhau. Với trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ thường đi vệ sinh từ hai đến ba lần mỗi ngày, trẻ trên 12 tháng tuổi thường đi vệ sinh ít nhất một lần mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ đi nhiều lần mà phân ít và khô rắn cũng là dấu hiệu bé bị bón.

Nhìn chung, táo bón ở trẻ được định nghĩa là trẻ đi ngoài phân ít, khô và rắn, gây đau rát trong quá trình đi vệ sinh, hậu môn thường bị sưng đỏ, thậm chí rớm máu. Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ là nguyên nhân chức năng và nguyên nhân bệnh lý.

Táo bón bệnh lý: Trẻ bị táo bón có thể do đang mắc phải những bệnh lý như phình đại tràng bẩm sinh, cường giáp, viêm đại tràng, bất thường tại đường ruột, bệnh lý xung quanh hậu môn, bệnh lý cột sống, rối loạn điện giải trong máu, bại liệt... Nhóm nguyên nhân này chiếm tỷ lệ không cao trong số trẻ bị bón. Tuy vậy, trẻ cần được khám chữa kịp thời để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Táo bón chức năng: Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ lo sợ, nhịn đi tiêu... có thể khiến trẻ không thể đi vệ sinh. Thói quen ít vận động cũng hạn chế khả năng bài tiết và đào thải độc tố của cơ thể, dẫn đến tình trạng táo bón. Nguyên nhân hàng đầu của táo bón chức năng là do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ chưa hợp lý, ví dụ trẻ ăn nhiều thức ăn đặc, thể rắn, uống ít nước và sữa, ăn ít trái cây và rau xanh; trẻ uống sữa bò (sữa công thức) không phù hợp, trẻ ít vận động...

Đặc biệt, trẻ ăn thiếu hoặc thừa chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày đều làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ. Đối với trẻ đang bú mẹ bị táo bón, nguyên nhân chủ yếu có thể do người mẹ cũng bị táo bón nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng đến trẻ thông qua nguồn sữa mẹ.

Thư Phạm

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342