Hotline: 039.916.2342

Trump chật vật tìm bên bảo lãnh án phạt 464 triệu USD

Theo Vnexpress |

Ông Trump không có đủ 464 triệu USD nộp phạt, trong khi các công ty bảo hiểm ngần ngại bảo lãnh cho án phạt quá lớn, khiến cựu tổng thống có nguy cơ bị tịch thu tài sản.

Thẩm phán New York Arthur Engoron hồi tháng 2 ra phán quyết yêu cầu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nộp phạt 355 triệu USD, với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản để được hưởng các khoản vay hay điều khoản bảo hiểm ưu đãi ở bang này. Cộng với tiền lãi, tính đến ngày 15/3, ông Trump phải nộp phạt 454 triệu USD.

Đây là vụ kiện dân sự do Tổng chưởng lý New York Letitia James khởi xướng nhắm vào hoạt động của ban lãnh đạo Tập đoàn Trump. Tổng cộng, ông Trump cùng hai con trai Eric Trump, Donald Trump Jr., những cá nhân chủ chốt tại tập đoàn, nợ chính quyền bang New York 464 triệu USD.

Cựu tổng thống Mỹ không chấp nhận phán quyết của tòa và đã đệ đơn kháng cáo, nhưng luật quy định ông vẫn phải nộp phạt trong quá trình chờ kết quả kháng nghị, dự kiến kéo dài nhiều năm. Nếu kháng cáo thành công, số tiền đã nộp phạt sẽ được trả lại cho cựu tổng thống.

Trump hiện không có tiền mặt để nộp phạt. Năm 2023, cựu tổng thống cho biết ông có hơn 400 triệu USD tiền mặt, nhưng Forbes nhận định ông đã đầu tư phần lớn số tiền này vào trái phiếu và tín phiếu, phần nhỏ vào cổ phiếu và quỹ tương hỗ.

Về lý thuyết, Tổng chưởng lý James có thể ra lệnh tịch thu tài sản của ông Trump, gồm nhiều bất động sản ở New York, bất kỳ lúc nào sau khi thẩm phán Engoron ra phán quyết. Tuy nhiên, bà đã cho ông Trump thời gian ân hạn đến ngày 25/3.

Để ngăn bà James tịch thu tài sản, ông Trump có hai lựa chọn là viết séc cho chính quyền bang New York để ký quỹ hoặc được công ty bảo hiểm đứng ra bảo lãnh tiền phạt trong thời gian kháng cáo. Công ty bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm chi trả trong trường hợp ông Trump kháng cáo thất bại và không thể thanh toán.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Rome, bang Georgia ngày 9/3. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Rome, bang Georgia ngày 9/3. Ảnh: AFP

Bảo lãnh kháng cáo là hồ sơ được một công ty bảo lãnh hoặc tổ chức tài chính nộp cho tòa án với cam kết sẽ thực hiện phán quyết. Theo luật bang New York, bị cáo còn phải chịu lãi suất 9% một năm cho đến khi nộp phạt hoặc kháng cáo kết thúc. Khoản tiền lãi cũng được tính vào số tiền bảo lãnh.

Công ty bảo lãnh là bên "đứng mũi chịu sào" nếu khách hàng thua kiện và không thể thanh toán. Do đó, họ sẽ muốn khách hàng phải đồng hành bằng cách có tài sản thế chấp là tiền mặt hoặc tương đương tiền, như cổ phiếu, trái phiếu. Theo giới chuyên gia, mỗi thương vụ mỗi khác nhưng nhìn chung các công ty không muốn nhận bất động sản, đặc biệt là khi tài sản này đã được thế chấp ở một nơi khác.

Trong trường hợp của cựu tổng thống Trump, để được bảo lãnh, ông cần có tài sản thế chấp có giá trị tương đương 120% so với phán quyết, tức hơn 550 triệu USD.

Nhóm luật sư của ông Trump ngày 18/3 nộp đơn đề nghị tòa phúc thẩm bang hoãn thi hành án phạt, với lý do đây là số tiền quá lớn, nhưng không được chấp thuận. Các luật sư cho biết phía ông Trump đã thông qua 4 công ty môi giới để tiếp cận 30 công ty bảo lãnh, nhưng đều không thành công do án phạt quá lớn, kéo theo số tiền bảo lãnh khổng lồ.

Quy mô bảo lãnh như vậy là "vi hiến, phi Mỹ, chưa từng có tiền lệ và trên thực tế là điều bất khả thi với mọi công ty, kể cả công ty thành công như của tôi", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. "Các công ty bảo lãnh chưa bao giờ nghe thấy con số như vậy hay đủ khả năng để chấp thuận, ngay cả khi họ muốn".

Gary Giulietti, giám đốc môi giới tại công ty bảo hiểm Lockton Companies, cho hay một vài công ty bảo lãnh lớn có quy định không chấp nhận bảo lãnh cho khoản phạt trên 100 triệu USD và không công ty nào trong số này nhận thế chấp bằng bất động sản, khiến tình thế của ông Trump trở nên ngặt nghèo hơn.

"Tôi hiểu rằng Tập đoàn Trump có thanh khoản tốt, nhưng họ không có một tỷ USD tiền mặt hoặc tương đương tiền", Guilietti nói. "Bảo lãnh ở quy mô này là điều hiếm thấy. Nếu có thì chúng cũng thường xảy ra đối với các công ty đại chúng lớn nhất thế giới, không phải cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân".

Ông Trump còn phải trả phí cho các công ty bảo hiểm, thường chiếm 1-3% giá trị bảo lãnh. Số tiền này không được hoàn lại, bất kể kết quả kháng cáo của cựu tổng thống.

Ngoài ra, ông Trump là bị cáo "có vị thế đặc biệt". Ông đang là ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Nếu ông đắc cử, công ty bảo lãnh sẽ rất khó đòi tiền từ một tổng thống tại nhiệm, nhất là khi người đó từng có bê bối pháp lý.

Nhóm luật sư của cựu tổng thống cho rằng ông không cần bảo lãnh bởi có tài sản cá nhân đủ chi trả nếu thua kiện. Họ cũng đề xuất hạ mức bảo lãnh xuống 100 triệu USD, nhưng bà James phản đối. Bà cho rằng "ông Trump và đồng phạm sẽ tìm cách không thực hiện hoặc khiến quá trình thực hiện phán quyết gặp nhiều khó khăn".

Ông Trump tuyên bố có tài sản hàng tỷ USD, nhưng hầu hết là bất động sản. Theo ước tính của tạp chí Forbes vào tháng 9/2023, ông Trump sở hữu khối tài sản 2,6 tỷ USD.

"Nếu bạn đang kháng cáo một án phạt tài chính, tòa án muốn đảm bảo nếu thua kiện, bị cáo vẫn có thể nộp tiền", Kevin J. O'Brien, cựu công tố viên và đang là luật sư ở New York, nói, thêm rằng đây là "quy trình chuẩn". "Cái khó ở đây là quy mô án phạt theo phán quyết".

Theo O'Brien, nếu Trump có thể chứng minh rằng mình sẽ chắc chắn thắng kiện, ông ấy "có thể tranh luận" để hạ mức bảo lãnh.

Dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, bang Florida, ngày 23/9/2022. Ảnh: Reuters

Dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, bang Florida, ngày 23/9/2022. Ảnh: Reuters

Theo O'Brien, một lý do khác khiến Trump gặp khó khăn trong tìm bên bảo lãnh là ông có thể "đã thế chấp đến giới hạn" và các bên cho vay không muốn tiếp tục làm ăn với một cựu tổng thống đang vướng vào vô số bê bối pháp lý, tài chính. "Mọi ánh mắt đang đổ dồn vào ông ấy", luật sư này nói.

Trong trường hợp tòa phúc thẩm không hủy hạn chót bảo lãnh hoặc ông Trump không huy động đủ tiền, bà James có thể bắt đầu nhắm đến tài sản của cựu tổng thống, động thái mà Tổng chưởng lý New York nói "sẽ không do dự thực hiện".

Luật sư bất động sản New York Melissa Levin nhận định nếu cần phải gom đủ tiền trước hạn chót 25/3, Trump nhiều khả năng sẽ buộc phải bán rẻ bất động sản của mình để trả tiền bảo lãnh. "Nếu không, không có gì có thể ngăn bà James và bang New York đề nghị tòa tịch thu một số tài sản của ông ấy", Levin nói.

Các luật sư lập luận ông Trump không nên bị ép phải bán tháo bất động sản để thu tiền mặt về, bởi các giao dịch như vậy sẽ gây ra thiệt hại lớn. Cựu tổng thống cũng không thể mua lại bất động sản với giá đã bán nếu thắng kiện.

Levin và luật sư dân sự New York Imran Ansari thêm rằng bà James có thể nhắm đến các tài sản của Trump ở bang khác, trong đó có dinh thự Mar-a-Lago ở bang Florida, thậm chí là tài khoản ngân hàng, lương, tác phẩm nghệ thuật, tiền thuê nhà...

Theo O'Brien, nếu muốn tịch thu tài sản của ông Trump ở bang khác, bà James sẽ phải đệ đơn lên tòa án khu vực đó. Động thái này có thể tạo ra một quy trình pháp lý kéo dài và cực kỳ phức tạp, nhưng cũng có thể khiến Trump mất quyền sở hữu những tài sản bị tịch thu.

Về nỗ lực kháng cáo, "tôi không nghĩ ông ấy sẽ thành công", O'Brien nhận định. "Tòa phúc thẩm sẽ không đảo ngược quyết định của thẩm phán Engoron một cách dễ dàng".

Như Tâm (Theo New York Post, CNN)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342