Hotline: 039.916.2342

Ngành y tế đóng góp gì cho kinh tế Hàn Quốc?

Theo Vnexpress |

Dịch vụ y tế tại Hàn Quốc không chỉ thúc đẩy chi tiêu nội địa, mà còn giúp bùng nổ ngành du lịch phẫu thuật thẩm mỹ của nước này.

Hơn một tuần qua, gần 10.000 thực tập sinh và bác sĩ nội trú tại các bệnh viện Hàn Quốc đã đình công để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y của chính phủ. Họ cho rằng kế hoạch này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của mình.

Những người tham gia đình công và nộp đơn xin nghỉ việc hiện chiếm 10% số bác sĩ tại Hàn Quốc, theo số liệu của chính phủ. Việc này đang đẩy ngành y tế Hàn Quốc đến gần bờ vực khủng hoảng.

Không chỉ gây gián đoạn hoạt động khám chữa bệnh, cuộc đình công của các bác sĩ có thể còn ảnh hưởng đến kinh tế nước này. Chăm sóc y tế và các lĩnh vực liên quan đóng góp không nhỏ cho GDP Hàn Quốc.

Vài năm qua, Hàn Quốc tăng trưởng ổn định, khiến thu nhập khả dụng và chi tiêu cho y tế đều tăng lên. Báo cáo năm 2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết trung bình, người Hàn Quốc chi 4.570 USD một năm cho dịch vụ y tế. Con số này tương đương 9,7% GDP, cao hơn trung bình các nước OECD là 9,2%.

Bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seoul (Hàn Quốc) hôm 21/2. Ảnh: Reuters

Bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seoul (Hàn Quốc) hôm 21/2. Ảnh: Reuters

Người Hàn Quốc cũng có yêu cầu cao với dịch vụ và công nghệ y tế. Họ sẵn sàng trả số tiền lớn để được chăm sóc nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, nước này còn có cấu trúc dân số già. Lượng người cao tuổi ngày một lớn cũng kéo nhu cầu dịch vụ y tế lên cao.

Chính phủ Hàn Quốc vì thế đầu tư mạnh tay cho ngành này, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại vùng nông thôn. Họ cũng áp dụng nhiều chính sách để khuyến khích lĩnh vực y tế tăng trưởng, như ưu đãi thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D).

Hàn Quốc hiện có hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, với lượng lớn bệnh viện và cơ sở y tế khắp cả nước. Website cung cấp số liệu thống kê Statista cho biết doanh thu các bệnh viện tại Hàn Quốc đạt tổng cộng 74,37 tỷ USD năm 2023. Số liệu này vẫn tăng trưởng đều đặn kể từ năm 2016 và được dự báo lên sát 89 tỷ USD năm 2028. Tính trung bình, mỗi bệnh viện thu về khoảng 43,65 triệu USD năm 2023.

Korea Biomedical Review - báo điện tử chuyên ngành y khoa tại Hàn Quốc - cũng cho biết năm 2022, cả 5 bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc đều ghi nhận lợi nhuận và doanh thu tăng trưởng. Nguồn thu từ cả hoạt động khám chữa bệnh và khám sức khỏe định kỳ đều đi lên. Tổng cộng, Bệnh viện Đại học Yonsei, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Trung tâm Y tế Samsung, Bệnh viện Asan và Bệnh viện St. Mary Seoul ghi nhận doanh thu gần 9 tỷ USD.

Không chỉ có nguồn thu trong nước, ngành y tế Hàn Quốc còn thu hút người nước ngoài. Hàn Quốc hiện là điểm đến ưa thích cho dịch vụ du lịch phẫu thuật thẩm mỹ.

Korea Herald trích số liệu của Viện Phát triển Sức khỏe Hàn Quốc cho biết năm 2022, trong 293.000 bệnh nhân nước ngoài ở Hàn Quốc, có tới 82.000 người đến đây để chăm sóc sắc đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ. Đây là con số kỷ lục.

Người Thái Lan chiếm phần lớn số này. Theo sau là Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Hãng nghiên cứu thị trường Imarc (Ấn Độ) ước tính quy mô thị trường du lịch chăm sóc y tế tại Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD năm 2023.

Time cho biết hệ thống y tế tại Hàn Quốc có mức độ tư nhân hóa cao. Thu nhập của các bác sĩ ở đây cũng thuộc nhóm tốt nhất thế giới. Lương trung bình của một bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện cũng có thể lên 200.000 USD một năm. Các thực tập sinh và bác sĩ nội trú tại Hàn Quốc có thu nhập khoảng 3.000 USD một tháng, cao hơn mức lương trung bình ở Seoul. Diplomat còn cho biết các bệnh viện ở xa thậm chí có thể trả cho bác sĩ 700.000 USD một năm.

Các nhân viên y tế tại bệnh viện ở Gwangju, Hàn Quốc, ngày 19/2. Ảnh: AFP

Các nhân viên y tế tại bệnh viện ở Gwangju, Hàn Quốc, ngày 19/2. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, số bác sĩ và y tá trên 1.000 dân của Hàn Quốc lại ở mức khá thấp so với trung bình các nước OECD. Hai số liệu này lần lượt là 2,6 và 8,8.

Các thực tập sinh và bác sĩ nội trú nước này cũng thường phải làm việc hơn 80 giờ một tuần, theo New York Times. Các bác sĩ trẻ đóng góp ít nhất một phần ba nhân sự trong các bệnh viện lớn và là nhóm đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân.

Đây cũng chính là nhóm đang thực hiện cuộc đình công hiện tại. Trên Korea Herald, chuyên gia cho rằng các bác sĩ phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường Y vì nhiều bệnh viện, chủ yếu là tư nhân, hoạt động theo cơ cấu định hướng lợi nhuận.

Theo Jeong Hyoung-sun, giáo sư quản lý y tế tại Đại học Yonsei, ở các nước phương Tây, bệnh viện công chiếm hơn 50% cơ sở y tế. Vì vậy, bác sĩ muốn có thêm đồng nghiệp để giảm khối lượng công việc mà tiền lương không đổi.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, nhiều bác sĩ điều hành phòng khám riêng. Nếu có đối thủ cạnh tranh trong tương lai, có thể thu nhập của họ sẽ giảm.

Giới chức Hàn Quốc cho biết họ sẵn sàng đối thoại với các bác sĩ và hoan nghênh các giải pháp để cải thiện kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, mức độ của sự việc lần này khiến Jeong Hyung-jun - Giám đốc chính sách tại Nhóm các nhà hoạt động y tế Hàn Quốc dự báo dịch vụ y tế có thể gián đoạn cả năm. Nếu các bác sĩ cấp cao hơn cũng tham gia đình công, hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Hà Thu (tổng hợp)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342