Hotline: 039.916.2342

Việt Nam trong top 5 tỷ lệ tăng trường quốc tế

Theo Vnexpress |

Số trường quốc tế mở mới tại Việt Nam tăng 5% trong hai năm, ngang với Nhật Bản và thuộc top 5 thế giới.

Theo báo cáo 2024 do ISC Research công bố hồi tháng 2, toàn thế giới hiện có hơn 14.000 trường quốc tế với 6,9 triệu học sinh, doanh thu 60,9 tỷ USD từ học phí mỗi năm. Số giáo viên dạy trường quốc tế là hơn 664.000 người, tăng 13% so với 5 năm trước.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng số lượng là Ấn Độ. Số trường quốc tế ở nước này hiện là 923, tăng 10% so với năm 2022. Theo sau là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng 9% lên 784 trường. Trung Quốc đứng thứ ba, tăng 6%, đạt 1.106 trường. Việt Nam và Nhật Bản cùng tăng 5%, nhưng báo cáo không nêu rõ số trường tại hai quốc gia này.

Theo International Schools Database năm 2022, Việt Nam có hơn 120 trường quốc tế, từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Còn ở Nhật Bản, số trường quốc tế khoảng 100, rải rác ở 11 địa phương.

"Nhu cầu học tập tại các trường quốc tế ở Việt Nam đang tăng lên đáng kể", ISC Research đánh giá. Nếu tính từ năm 2019, số trường quốc tế của Việt Nam tăng 42%, số học sinh tăng 30%. Tổng doanh thu của các trường tăng 58%. Trên website, nhiều trường cho biết thu học phí 500-900 triệu đồng một năm với chương trình phổ thông quốc tế.

"Sự xuất hiện của các trường tư nước ngoài nổi tiếng không chỉ thu hút các phụ huynh khá giả, cạnh tranh về giáo dục mà còn tạo ra sự tò mò và nâng cao nhận thức về giáo dục quốc tế tại Việt Nam", báo cáo nêu.

Một tiết học của học sinh ISHCMC - trường quốc tế đầu tiên ở TP HCM, thành lập năm 1993. Ảnh: ISHCMC Fanpage

Một tiết học của học sinh ISHCMC - trường quốc tế đầu tiên ở TP HCM, thành lập năm 1993. Ảnh: ISHCMC Fanpage

Xét về số lượng, châu Á đứng đầu, chiếm 57% số trường quốc tế trên toàn cầu. Tiếp theo là châu Mỹ, châu Âu với 14-15% thị phần. Còn lại là châu Phi (12%), châu Đại dương (2%).

Xét theo quốc gia, Trung Quốc có nhiều trường quốc tế nhất, sau đó là Ấn Độ và UAE. Hai vị trí tiếp theo là Pakistan (598 trường) và Brazil (415 trường).

Chương trình của Cambridge, tú tài Anh Quốc, Mỹ, Tú tài quốc tế (IB), AP (Advanced Placement) là năm chương trình giảng dạy phổ biến nhất, có mặt tại 77% các trường quốc tế.

Trong đó, chương trình Cambridge đứng đầu (35,4%), tiếp theo là chương trình Anh Quốc và IB (cùng 28%), chương trình Mỹ (khoảng 19%). Khoảng 2/3 số trường quốc tế tích hợp nội dung giảng dạy với chương trình của địa phương vì quy định của chính phủ và yêu cầu của phụ huynh.

ISC Research là nguồn dữ liệu uy tín về trường học trên thế giới, cả phổ thông và đại học. Tổ chức này định nghĩa trường quốc tế là trường tư thục giảng dạy toàn bộ hoặc một phần bằng tiếng Anh; hoặc có chương trình giảng dạy khác với chương trình ở quốc gia không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Học sinh của trường quốc tế trong độ tuổi 3-18.

Doãn Hùng (Theo ISC Research)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342