Hotline: 039.916.2342

Xây dựng thêm 113 điểm quan trắc chất lượng không khí

Theo Vnexpress |

Từ nay đến năm 2030, các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục sẽ được phủ ở 63 tỉnh, thành phố, có 6 trạm nền đại diện cho 6 vùng kinh tế.

Theo quy hoạch Quan trắc môi trường quốc gia vừa được Chính phủ ban hành, từ nay đến năm 2030, cả nước sẽ xây thêm 98 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục, sau năm 2030 sẽ xây thêm 15 trạm. Như vậy, cùng với 106 trạm đang hoạt động, cả nước sẽ có 216 trạm.

Trong 98 trạm quan trắc tự động liên tục mới sẽ có 62 trạm đo chất lượng không khí tác động (đặt tại nơi chịu nhiều sự tác động của con người để cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe người dân) và 6 trạm nền (đặt tại khu vực ít bị tác động bởi con người, đại diện cho chất tượng không khí của khu vực rộng lớn).

Trạm quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội. Ảnh: Cục KSONMT

Trạm quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội. Ảnh: Cục KSONMT

6 trạm nền sẽ đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Ở miền núi phía Bắc, trạm sẽ đặt ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; vùng đồng bằng sông Hồng đặt tại xã Việt Hải, TP Hải Phòng; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đặt tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam.

Vùng Tây Nguyên, trạm đặt tại xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông; vùng Đông Nam Bộ đặt tại Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; vùng đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

18 điểm quan trắc xuyên biên giới đặt tại các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang. Các trạm quan trắc tự động sẽ đo được bụi PM 2.5, PM 10, SO2, NO2, CO, O3.

Đối với quan trắc định kỳ, cả nước sẽ có 148 trạm tập trung ở các tỉnh, thành có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội. Từ nay đến 2025, mỗi năm sẽ có 8 đợt quan trắc, sau đó tăng lên 12 đợt, cung cấp các thông số SO2, NO2, CO, bụi TSP. Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương bổ sung bụi PM 2.5.

Quy hoạch cũng đưa ra yêu cầu lồng ghép đo tiếng ồn tại 216 trạm quan trắc chất lượng không khí và bước đầu thiết lập mạng lưới quan trắc thủy ngân tự động.

Ngoài ra, quy hoạch cũng chỉ rõ việc đầu tư xây dựng trạm quan trắc chất lượng nước mặt, nước cửa sông, nước biển, chất lượng đất, đa dạng sinh học...

Mục tiêu quy hoạch là xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, tiên tiến hiện đại, giám sát được các khu vực trọng yếu có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới; tăng cường tính liên kết với hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; đáp ứng yêu cầu về công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, cho rằng việc đưa ra quy hoạch các điểm, trạm quan trắc trong bối cảnh hiện tại là cần thiết khi mức ô độ ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp và nguồn dữ liệu phục vụ nghiên cứu, cảnh báo còn nhiều hạn chế.

"Trước đây chúng ta đã hai lần quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc, tuy nhiên trên thực tế việc xây dựng còn chưa đạt được như quy hoạch do hạn chế về nguồn lực", ông Tùng nói, bày tỏ kỳ vọng cơ quan chức năng sẽ bố trí đủ nguồn lực để xây dựng mạng lưới trạm quan trắc đúng như quy hoạch.

Gia Chính

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342