Hotline: 039.916.2342

Xin phá sản - giải pháp cực chẳng đã của Trump trong khủng hoảng tiền phạt

Theo Vnexpress |

Khi hạn chót nộp phạt gần nửa tỷ USD cận kề, xin phá sản là cách khả thi nhất để Trump thoát khủng hoảng, nhưng đây là cách ông không mong muốn nhất.

Thẩm phán New York Authur Engoron hồi tháng 2 ra phán quyết yêu cầu cựu tổng thống Donald Trump phải nộp khoản phạt tổng cộng 464 triệu USD, liên quan tới vụ kiện dân sự ở bang này. Ông bị phạt với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản của Tập đoàn Trump để hưởng các khoản vay hay điều khoản bảo hiểm ưu đãi ở New York.

Dù Trump đã nộp đơn kháng cáo, Tổng chưởng lý New York Letitia James vẫn yêu cầu ông nộp phạt hoặc tìm phương án bảo lãnh cho khoản phạt này trước hạn chót 25/3. Số tiền bảo lãnh được yêu cầu bằng 120% khoản phạt, tương đương 557 triệu USD, cộng với 18 triệu USD tiền phí cho công ty đồng ý bảo lãnh, theo hồ sơ.

Các luật sư của Trump cho biết cựu tổng thống không thể huy động đủ tiền mặt để nộp khoản bảo lãnh trì hoãn thi hành phán quyết. Các công ty bảo lãnh không chấp nhận bất động sản, thứ chiếm phần lớn tài sản của ông Trump, làm tài sản thế chấp do rủi ro quá cao.

Nếu Trump không tìm được phương án bảo lãnh trước ngày 25/3, Tổng chưởng lý James có thể bắt đầu tịch thu tài sản của ông, gồm các tài khoản ngân hàng hoặc những tài sản khác như tòa tháp văn phòng Manhattan của cựu tổng thống ở số 40 Phố Wall.

Để có tiền nộp phạt, Trump có thể phải bán tháo loạt bất động sản với giá "siêu rẻ" trong thời gian ngắn nhất. Đây được coi là kịch bản thảm họa với Trump, đẩy cựu tổng thống vào cuộc khủng hoảng tài chính thực sự.

Giới chuyên gia cho rằng một giải pháp khả dĩ có thể giúp Trump thoát khỏi khủng hoảng là ông hoặc một trong các công ty của cựu tổng thống chọn phương án nộp đơn xin phá sản, giúp họ trì hoãn yêu cầu nộp phạt trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Luật sư về phá sản Avi Moshenberg cho hay nếu bây giờ ông Trump nộp đơn xin phá sản, cựu tổng thống sẽ không phải trả bất kỳ khoản tiền nào cho đến hoàn tất thủ tục phá sản. "Việc đó sẽ mất vài năm vì tính phức tạp của nó", Moshenberg nói.

Trong thời gian đó, ông Trump có thể tập trung cho chiến dịch tranh cử thay vì lo lắng khoản tiền phạt. Tuy nhiên, đây là phương án ông Trump muốn tránh nhất, một phần vì lo ngại có thể gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm nay.

"Ông ấy thà để bà Letitia James cùng cảnh sát xuất hiện ở 40 Phố Wall và làm ầm ĩ hơn là tuyên bố ông ấy đã phá sản. Ông cân nhắc về những gì sẽ có lợi cho tương lai chính trị của mình. Phá sản không có lợi, nhưng để bà ấy tịch thu tài sản thì có thể", một trong những người thân cận với ông Trump nói.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại tòa án New York vào tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại tòa án New York vào tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Việc trì hoãn khoản phạt cũng không thể ngăn được thực tế là ông sẽ phải nộp lãi phát sinh từ khoản phạt chưa thanh toán trong thời gian chờ phá sản. Số tiền lãi cho khoản phạt hiện tại của ông tăng thêm 100.000 USD mỗi ngày.

Một người phát ngôn của ông Trump cho biết kế hoạch của họ là tiếp tục đấu tranh tại tòa. Trong hồ sơ đầu tuần này, nhóm luật sư của ông yêu cầu hội đồng thẩm phán tòa phúc thẩm giảm yêu cầu về phương án bảo lãnh, cho phép ông nộp 100 triệu USD thay vì 464 triệu USD.

Gary Giulietti, nhà môi giới bảo hiểm và là bạn của ông Trump, nói khoản bảo lãnh quy mô lớn như vậy "thực sự là không thể đáp ứng". Ngoài ra, cựu tổng thống cũng đang đối mặt khoản bảo lãnh 91 triệu USD để trì hoãn thi hành phán quyết trong vụ thua kiện nhà văn E. Jean Carroll trước đó.

Những người thân cận cho biết cả ông Trump và các cố vấn từng lạc quan rằng họ có thể nhận được tiền bảo lãnh trong vụ kiện dân sự ở New York. Tuy nhiên, cho đến nay, họ chưa nhận được bất kỳ đề nghị bảo lãnh từ bên nào.

Một phán quyết có lợi từ tòa phúc thẩm có lẽ là cách ít rủi ro nhất cho ông Trump để thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính hiện tại, theo giới quan sát. Luật sư của Trump lạc quan rằng các thẩm phán tòa phúc thẩm sẽ quyết định cắt giảm khoản bảo lãnh mà ông được yêu cầu nộp để tránh bị tịch thu tài sản.

Richard Porter, luật sư tài chính lâu năm và là thành viên của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, hy vọng các thẩm phán giàu kinh nghiệm ở New York, trung tâm tài chính hàng đầu thế giới với các tòa án am hiểu về thương mại, sẽ hoài nghi phán quyết 464 triệu USD chống lại Trump.

"Các thẩm phán phúc phẩm có thể sẽ nói số tiền phạt này là vô lý", ông nói.

Hội đồng thẩm phán tòa phúc thẩm chưa ra phán quyết, nhưng giới quan sát cho rằng họ nhiều khả năng sẽ không đưa ra điều khoản có lợi cho Trump, vì việc đối xử theo biệt lệ với ông sẽ không công bằng với những người khác.

Ông Trump được cho đã tham vấn ý kiến của cố vấn, luật sư và nhiều người thân cận trong những ngày gần đây về những gì nên làm nếu tòa án phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu giảm tiền bảo lãnh.

Cựu tổng thống có thể phải tìm kiếm một ngân hàng hoặc một cá nhân giàu có nào đó sẵn sàng hỗ trợ ông, bằng cách chấp nhận bất động sản của ông như khoản thế chấp để giúp ông nộp khoản bảo lãnh hoặc cho ông vay tiền. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Trump hiện có rất ít mối quan hệ với các ngân hàng ở Phố Wall.

"Ván cược tiếp theo của ông ấy là tìm được một tỷ phú có thanh khoản tốt và thực hiện một thỏa thuận mua bán nhanh chóng với người đó", Porter nói.

Ưu điểm là tỷ phú này có thể kiếm được một khoản tiền lời từ thương vụ mua bất động sản và kết bạn với người có khả năng trở thành tổng thống. Tuy nhiên, nhược điểm là nếu ông Trump thất cử, người này sẽ trở thành mục tiêu công kích từ các đối thủ chính trị của Trump, theo Porter.

Cựu tổng thống cũng có thể lựa chọn bán một số khách sạn hoặc sân golf để có tiền mặt và các giao dịch như vậy thường mất vài tuần hoặc vài tháng. Các thẩm phán tòa phúc thẩm cũng có thể yêu cầu ông Trump làm vậy nhưng sẽ cho ông thêm thời gian, theo giới chuyên gia pháp lý.

Kaitlan Collins, bình luận viên của CNN, cho rằng thực tế này đã đẩy Trump cùng các trợ lý thân cận vào "trạng thái hoảng loạn" khi hạn chót nộp phạt cận kề.

Trong bối cảnh đó, một số người thân quen với Trump cho rằng nộp đơn xin phá sản vẫn là lựa chọn hợp lý về mặt tài chính, ngay cả khi nó có thể gây ra các vấn đề chính trị.

"Những gì đang xảy ra với ông ấy và công việc kinh doanh là lý do luật phá sản tồn tại", một người trong số này nói.

Nộp đơn xin phá sản có thể cho phép ông tạm hoãn các hình phạt và bất kỳ trách nhiệm pháp lý tiềm tàng nào từ các vụ án dân sự liên quan tới cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021. "Đó sẽ là một khởi đầu mới", người này nói thêm.

Dù Trump hiện không cân nhắc lựa chọn này, các cố vấn lâu năm của ông hiểu cựu tổng thống có thể thay đổi quyết định nhanh chóng.

Ông Trump từng 6 lần sử dụng phương án nộp đơn xin phá sản liên quan tới những hoạt động kinh doanh sòng bạc và khách sạn ở thành phố Atlantic nhiều thập kỷ trước. Trong quá trình vận động tranh cử, Trump nhiều lần chia sẻ về những vụ phá sản đó, nói rằng ông đã sử dụng một công cụ quen thuộc của nhiều nhà đầu tư và lưu ý thêm ông chưa bao giờ phải nộp đơn xin phá sản cá nhân.

Bên ngoài tòa nhà Trump Building ở 44 Phố Wall, New York, ngày 19/3. Ảnh: AFP

Bên ngoài tòa nhà Trump Building ở 44 Phố Wall, New York, ngày 19/3. Ảnh: AFP

Ông Trump có thể được bảo vệ nhiều như thế nào sau khi xin phá sản và thời gian bảo vệ kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào việc ông nộp đơn với tư cách cá nhân hay thay mặt cho công ty. Các chuyên gia cho rằng phá sản cá nhân gần như chắc chắn sẽ tạm dừng thi hành phán quyết của New York với ông Trump và những người liên quan, gồm cả các thực thể kinh doanh của ông. Song đây được đánh giá là lựa chọn rất rủi ro về mặt chính trị.

Cựu tổng thống cũng có thể chọn thay mặt một trong số các công ty của mình để nộp đơn xin phá sản. Bởi vì các công ty có liên hệ chặt chẽ với nguồn tài chính của ông, thẩm phán có thể ra phán quyết ông Trump cũng nhận được bảo vệ cá nhân trong quá trình phá sản và do đó không cần phải trả tiền phạt ngay lập tức.

Giới chuyên gia thêm rằng ngay cả khi thẩm phán không ra quyết định như vậy, phán quyết của New York cũng có thể bị tạm dừng trong khi tòa án cân nhắc vấn đề.

Để kéo dài thời gian, ông Trump có thể đợi tới khi Tổng chưởng lý James bắt đầu thực thi phán quyết để nộp đơn xin phá sản. Hiện chưa rõ liệu bà James có lập tức tiến hành tịch thu tài sản nếu Trump không nộp khoản bảo lãnh vào tuần sau hay không, hay sẽ đợi tới khi tòa phúc thẩm phán quyết về yêu cầu bỏ khoản bảo lãnh của Trump.

Nộp đơn xin phá sản cũng đi kèm nhiều rủi ro, khi nó đồng nghĩa Trump sẽ mất nhiều quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp của mình và buộc phải thực hiện các giao dịch mua bán không mong muốn trong tương lai. Ông cũng sẽ phải giải trình về điều đó trong quá trình vận động tranh cử.

"Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với ông Trump về tình hình tài chính và vấn đề cá nhân", nhà báo Timothy O’Brien, người từng viết tiểu sử cho Trump và sau là cố vấn chính trị cho tỷ phú Mike Bloomberg, nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, Reuters, AFP)

© Copyright 2010 - 2022 – Công ty Cổ phần Truyền Thông Và Công Nghệ HT Việt Nam

Email: info@htvietnam.vn

Liên hệ quảng cáo: 039.916.2342